TN - Đất & Người

Mòn mỏi chờ vốn xóa cầu tạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên có hàng ngàn cầu treo, cầu tạm, trong có rất nhiều cầu đang xuống cấp nặng nhưng do không có kinh phí xây mới, sửa chữa. Vì cuộc sống mưu sinh, hàng ngày người dân vẫn liều mạng qua cầu, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Người dân bất chấp nguy hiểm đi qua cầu gỗ xuống cấp nặng tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Người dân bất chấp nguy hiểm đi qua cầu gỗ xuống cấp nặng tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Những cây cầu tử thần
Cầu treo thôn 13, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum được xây dựng một cách tạm bợ bằng cách cố định dây cáp ở hai đầu cầu, tay vịn kết bằng những thanh tre, còn sàn cầu được nối với nhau bằng những miếng bìa gỗ…
Cầu treo này bắc qua sông Đắk Pxi có bề rộng hơn 50m, bên dưới nước sông chảy xiết. Cầu treo này đã bị hư hỏng nặng, thụng xuống và nghiêng hẳn sang một bên. Trên biển chỉ dẫn cấm xe máy qua cầu, nhưng trong 20 phút có mặt tại đây, hàng chục xe máy vẫn ùn ùn phóng qua làm cầu rung lắc, còn xe máy chao đảo. Chúng tôi cũng chứng kiến hơn 10 cháu nhỏ đi học về, vừa đi vừa vịn thanh cầu, gặp xe máy chạy ngược chiều, phải ôm chặt thanh vịn để khỏi bị hất xuống sông.
Anh A Điểm - Trưởng thôn 13 xã Đắk Pxi, cho biết, cầu được xây dựng vào khoảng năm 2014, phục vụ đi lại cho 70 hộ dân với hơn 300 khẩu trong thôn. Ngoài ra, người dân thôn 6 và 8 cũng hay đi qua cầu này. Nhiều năm nay, cầu liên tục bị hư do bão, lũ. Đã có nhiều trường hợp trẻ con đi qua bị té, người chạy xe máy rơi tõm xuống sông.
“Cầu treo này không đảm bảo an toàn nhưng dân vẫn phải đi và vận chuyển nông sản qua lại hàng ngày. Người dân rất muốn xây dựng cầu mới để đảm bảo an toàn. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu mới cho an toàn nhưng được thông báo phải chờ vì không có đủ kinh phí. Trong khi mỏi mòn chờ xây dựng cầu mới, khi nào cầu hư không thể đi lại, người dân lại cùng góp công, góp ván sửa chữa cầu để đi tạm”, anh A Điểm nói.
Còn tại Lâm Đồng, có mặt tại cầu dân sinh nối thôn 4 với thôn 5, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, chúng tôi rùng mình khi thấy người dân bất chấp nguy hiểm vẫn bám vào những sợi cáp để đi qua cây cầu gỗ đã bị sập sàn. Nhiều tấm ván trên mặt cầu rơi ra tạo thành những khoảng trống rộng khắp mặt cầu, có đoạn khoảng trống lên tới 5-6m, trong khi cầu chỉ dài hơn 30m. Dù chính quyền địa phương đã làm rào chắn và treo biển cấm đi lại, nhưng ngày ngày người dân vẫn liều mình đu bám vào thành cầu để qua sông, mặc cho dòng nước chảy xiết bên dưới đầy nguy hiểm. Những hộ dân sinh sống trong khu vực cho rằng, việc phải liều mình qua sông như vậy là vì đỡ phải đi đường vòng xa hơn khoảng 10km
Đói vốn, chờ giải tỏa
Tại Kon Tum, hiện có 293 cầu treo, trong đó có 99 cầu hư hỏng, mất an toàn giao thông. Theo UBND tỉnh Kon Tum, đơn vị đã có văn bản giao các huyện, thành phố khẩn trương có kế hoạch khắc phục, sửa chữa các cầu treo dân sinh hiện không đảm bảo an toàn; đối với các cầu treo dừng khai thác, phải đảm bảo việc đi lại thuận lợi cho người dân; các địa phương nếu để xảy ra trường hợp mất an toàn, gây sự cố khi đang lưu thông trên cầu thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. 
Phê bình 4 chủ tịch huyện vì không bố trí ngân sách sửa chữa cầu treo
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã phê bình chủ tịch UBND các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đắk Glei và Đắk Hà vì huyện chưa bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cầu treo trên địa bàn huyện theo chỉ đạo tại các văn bản của UBND tỉnh. 

Đối với 15 công trình cầu treo dân sinh thuộc danh mục đầu tư theo “Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020”, hiện nay chưa triển khai thực hiện vì Trung ương chưa bố trí kinh phí. Vì thế, UBND tỉnh đề nghị UBND các địa phương có công trình thuộc đề án nói trên là huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đắk Glei chủ động triển khai khắc phục sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng theo quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Một lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), cho biết, huyện này có 5 công trình nằm trong đề án xây dựng cầu nông thôn. Tại những vị trí này, một số có cầu tạm nhưng đã hư hỏng. 
Theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, hiện địa phương đang có 157 cây cầu cần được xây mới, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại, phần lớn trong số đó tập trung tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi kết thúc các đợt rà soát, tỉnh Lâm Đồng hiện đang triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án LRAMP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt 70 cây cầu, với tổng vốn xây dựng hơn 123 tỷ đồng, triển khai từ năm 2017 đến năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn do nặng về giải tỏa mặt bằng. 
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, hiện nay dự án LRAMP đang triển khai thi công 3 gói thầu xây lắp với 25 cầu cống. Dù vậy, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn một số tồn tại vướng mắc do các hộ dân yêu cầu đền bù theo giá thị trường nhưng nguồn kinh phí bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng không lớn, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bên cạnh đó, còn số lượng không nhỏ những công trình đường bộ tại địa phương nhiều năm nay muốn xây dựng mới nhưng vẫn còn gặp khó khăn do thiếu vốn.
Trong số 15 vị trí cầu cần được xây mới, sửa chữa thì vừa qua tỉnh Lâm Đồng đã triển khai xây mới được 9 cầu treo với tổng số vốn đầu tư 46,6 tỷ đồng, đây là những vị trí cấp bách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại khu vực đông dân cư, số còn lại đã được nâng cấp để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân.
Hữu Phúc- Đoàn Kiên (SGGP)

Có thể bạn quan tâm