Phóng sự - Ký sự

Một chỉ thị, trăm biến chuyển từ làng - Kỳ 3: Vươn lên từ nội lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau giai đoạn quy hoạch, sắp xếp lại dân cư và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các địa phương tiếp tục triển khai giúp người dân tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao thu nhập. Từ chỗ khuyến khích phát huy nội lực, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững.

Thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Lần trở lại Đak Rong (huyện Kbang) mới đây mang đến cho chúng tôi cảm nhận thật mới mẻ. Sự đổi thay hiện rõ ở những con đường bê tông trải dài tít tắp chạy dọc theo các vườn cà phê, mắc ca hay cánh đồng lúa chín vàng đang kỳ thu hoạch. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ khi biết xã vùng III cách trung tâm tỉnh hơn 160 km này đã có làng NTM.

Đưa chúng tôi tham quan mô hình nuôi heo đen bản địa được nhiều hộ lựa chọn để phát triển kinh tế, ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-cho biết: Làng Kon Lốk 1 có 81 hộ với 258 khẩu. Theo tiêu chí mới, làng còn 8 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo nhưng cũng sẽ sớm hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM. Ghé thăm gia đình ông Đinh Văn Đợi, ông Quang vui vẻ giới thiệu: Đây là 1 trong 5 hộ được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chọn làm điểm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chỉ qua 1 năm triển khai, mô hình nuôi heo đen đã thu hút 42 thành viên tham gia, số lượng heo tăng từ 130 con lên hơn 300 con. Hơn chục hộ trong làng đã thoát nghèo nhờ mô hình này.

3 Sau khi sắp xếp, ổng định cuộc sống chính quyền các địa phương tập trung chuyển đổi cây trồng áp dụng giống mới và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, thu nhập.jpg
 Sau khi sắp xếp, ổng định cuộc sống cho người dân, chính quyền các địa phương tập trung chuyển đổi cây trồng áp dụng giống mới và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Phương Linh
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là cách làm mới, sáng tạo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh trong việc chăm lo, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 12 đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân để chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng làng NTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy các cấp đã phát huy, thể hiện rõ quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều cách làm hay, sáng tạo để xây dựng các làng ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp và nâng cao đời sống cho người dân”.

Tiếp lời Chủ tịch UBND xã, ông Đợi cho biết: Đầu năm 2020, gia đình ông được hỗ trợ 3 triệu đồng mua 3 con heo đen sinh sản về nuôi. Tận dụng đất vườn sau nhà, ông trồng bắp, mì để làm thức ăn cho heo. Sau 1 năm chăm sóc cẩn thận, ông xuất chuồng được 2 lứa (giá bán 200.000 đồng/kg heo giống; 100.000 đồng/kg heo thịt) thu về trên 40 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình ông đã thoát nghèo. Cũng theo ông Đợi, ngoài triển khai mô hình nuôi heo đen, nhiều hộ trong làng cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa rẫy, mì, bắp canh tác theo kiểu truyền thống sang trồng lúa nước, chanh dây, cà phê, mắc ca, dứa và chăn nuôi bò, dê…

Trong khi đó, làng NTM Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa) đã tiến một bước xa hơn với nỗ lực thi đua làm kinh tế giỏi. Theo thống kê, trong số hơn 200 hộ của làng thì 10 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 25 hộ cấp huyện và 35 hộ cấp xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Hộ ông Pun là một trong những điển hình. Hiện gia đình ông sở hữu 3 ha cà phê, 800 trụ hồ tiêu và 1 ha lúa nước. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, ông còn dành dụm cả tỷ đồng. Ông chia sẻ: “Trồng hồ tiêu, cà phê là để tích lũy, làm giàu, tái đầu tư mở rộng sản xuất, còn trồng lúa để lấy gạo ăn. Về khoản chi tiêu hàng ngày, gia đình tôi có máy cày, máy gặt đập làm dịch vụ cho bà con trong xã”.

Có được thành quả như trên là nhờ người dân được hướng dẫn để chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai có hiệu quả như: cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cà phê, trồng bơ xen vườn cà phê, mở rộng diện tích cây ăn quả… Người dân cũng biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi; đầu tư máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất. Ông Wut-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Dơk Rơng không khỏi tự hào: “Trước đây, làng Dơk Rơng nghèo lắm nhưng giờ rất khá. Chúng tôi không dừng ở đó mà sẽ tiếp tục cố gắng để ngày càng phát triển”.

Chưa dừng ở đó, làng Dơk Rơng còn nổi bật với mô hình trồng cà phê gây quỹ. Năm 2019, mô hình này được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn làm điểm với diện tích 1,6 ha. Theo đó, việc chăm sóc, thu hoạch được chia đều ra các tổ. Sau khi trừ chi phí, số tiền thu được từ việc bán cà phê sẽ sung vào quỹ chung của làng để làm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ hộ nghèo… Đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại 4/9 thôn, làng trong xã.

Nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) nhận định: Từ những “hạt giống” NTM ươm mầm tại làng Pông, làng Hek (xã Chư A Thai), tinh thần Chỉ thị số 12 đã lan tỏa khắp các buôn làng, trở thành điểm tựa vững chắc để nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đổi thay một cách căn bản và toàn diện. Vẫn còn đó hàng trăm việc phải làm nhưng quan trọng nhất là vận động các hộ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, định hướng tham gia các mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Người dân làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được hỗ trợ giống lúa cạn, điều và mì cao sản để sản xuất. Ảnh: Minh Triều
Người dân làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được hỗ trợ giống lúa cạn, điều và mì cao sản để sản xuất. Ảnh: Minh Triều
Qua hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12, thu nhập bình quân đầu người tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn làng NTM là 41,29 triệu đồng/năm; đến nay có 91/143 thôn, làng đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập; 115/143 thôn, làng đạt tiêu chí hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2020 là 11,59%, giảm 16,82% so với năm 2017.

Đây chính là nội dung trọng tâm của “Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn (Pông, Kinh Pêng, Trớ, Hek) giai đoạn 2 (2021-2023) huyện Phú Thiện”. Hiện 4 làng có 426 hộ với 1.834 khẩu; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm 20,8%, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 15,7 triệu đồng/năm. Do vậy, nhiệm vụ của xã Chư A Thai trong thời gian tới là tập trung giúp hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi. Ông Toàn khẳng định: Quan điểm của huyện là không chuyển đổi cây trồng mà chỉ áp dụng giống mới và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất; hỗ trợ giống mới, lai cải tạo đàn vật nuôi sẵn có. Bên cạnh đó, huyện tập trung đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng như xuất khẩu lao động. Huyện cũng đã dự trù kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng và xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm để triển khai hỗ trợ giống lúa cạn, điều và mì cao sản; cấp bò, heo, gà, dê nhằm giúp người dân tạo ra sinh kế ổn định.

Để việc xây dựng làng NTM ngày càng hiệu quả, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-nêu quan điểm: Thoát nghèo mới là bước đầu tiên, bà con phải nỗ lực hơn trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài việc huy động nguồn lực từ các chương trình để đầu tư, hỗ trợ thực hiện xây dựng làng NTM, huyện cũng phân công cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức phụ trách theo dõi, giúp đỡ các địa phương thực hiện từng tiêu chí; thực hiện kết nghĩa giữa thôn người Kinh với làng đồng bào dân tộc thiểu số được lựa chọn xây dựng làng NTM để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hội Nông dân tỉnh bàn giao bò giống sinh sản cho gia đình bà Đinh Thị Sắp-làng Pngăl, xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Minh Nguyễn
Hội Nông dân tỉnh bàn giao bò giống sinh sản cho gia đình bà Đinh Thị Sắp (làng Pngăl, xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Minh Nguyễn (ảnh chụp trước tháng 4-2021)


Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho hay: Giải pháp trọng tâm của huyện là khuyến khích triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng các mô hình như: hỗ trợ giống cây mắc ca, dổi xanh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị gia tăng. Huyện cũng nỗ lực thực hiện tốt chính sách khoán quản lý, bảo vệ rừng để người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống; vận động người dân tăng cường trồng rừng ở những khu vực đất bạc màu, độ dốc cao, góp phần tăng độ che phủ rừng, nâng cao thu nhập.

Ông Sơn cũng cho biết thêm: Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân làng Hà Đừng (xã Đak Rong), các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã giúp 69 hộ dân trồng 40 ha cây mắc ca; huyện đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi đưa nước vào sản xuất, khai hoang, cải tạo cánh đồng hơn 20 ha; mua 18.600 cây mắc ca giống cấp cho dân làng. Xã còn quy hoạch, bố trí quỹ 15 ha đất để trồng lúa 2 vụ cho 117 hộ nghèo thiếu đất sản xuất…

Tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 của Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ rõ: “Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và bố trí sắp xếp, ổn định chỗ ở tại các làng NTM chỉ là kết quả bước đầu. Thời gian tới, chúng ta phải tập trung giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất. Để làm được điều này, chính quyền huyện, xã, các ngành phải vào cuộc, hỗ trợ cây-con giống mới và hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập. Có giải quyết được những vấn đề này thì mới cải thiện được tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người và nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con”.

 

 MINH TRIỀU - PHƯƠNG LINH
 

----------------
Kỳ 4: Đổi thay nhỏ, ý nghĩa lớn

Có thể bạn quan tâm