Đô thị

Một khoảng ký ức về đô thị âm nhạc Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Âm nhạc của Đà Lạt đã gắn liền với những quán cà phê, những phòng trà.

Sau khi nhà bác học Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên, chỉ một thời gian ngắn, đô thị Đà Lạt đã được hình thành và dần hội tụ nhiều giá trị văn minh Tây phương khi người Pháp đặt mục tiêu biến thành phố này trở thành thủ phủ của toàn cõi Đông Dương.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, thành phố khuất mình trên cao nguyên đã dần trở thành một đô thị hành chính, giáo dục, nghệ thuật hàng đầu Đông Dương thời bấy giờ. Trong bối cảnh đó, một không gian âm nhạc manh nha hình thành và phát triển dần, lưu lại những dấu ấn khó phai… Đà Lạt cũng trở thành điểm xuất phát sự nghiệp của những tên tuổi nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, lừng danh mãi về sau…

Rue des Roses (đường Hoa Hồng - nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) thuộc phường 4, TP. Đà Lạt. Từ thuở sơ khai, con đường ngắn ấy đã là một con đường kiểu mẫu về sự hài hòa kiến trúc với tổng thể thành phố. Giai đoạn năm 1950 và sau 1960, đây là nơi ở của giới trung lưu, thượng lưu khá giả người Việt. Đặc biệt nhất là căn biệt thự số 11, chốn trọ của “nhóm nghệ sĩ đường Hoa Hồng”.

Trong thời gian này, sau nhiều lần ghé thăm Đà Lạt, trọ lại căn biệt thự này cùng họa sĩ Trịnh Cung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bộc lộ rõ nhất, chân thật nhất cái nhìn của một thanh niên có tâm hồn đa cảm với những rung động nghệ sĩ thực sự.

Những ca khúc “Tuổi đá buồn”, “Còn tuổi nào cho em” của nhạc sĩ họ Trịnh đã ra đời trong nguồn mạch cảm xúc ấy. Cũng vào khoảng thời gian này, Đà Lạt là xứ sở kết nối định mệnh, là điểm khởi đầu trong hành trình Khánh Ly cùng những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Xuất thân từ Hà Nội nhưng Nguyễn Thị Lệ Mai (Khánh Ly) lại khởi đầu sự nghiệp ca hát tại Sài Gòn. Đến cuối năm 1962, Khánh Ly chuyển lên Đà Lạt và cũng là lúc nhân duyên giữa cô với Trịnh Công Sơn khởi đầu.

mot-khoang-ky-uc-ve-do-thi-am-nhac-da-lat-9602.jpg
Âm nhạc phòng trà - loại hình sinh hoạt âm nhạc phổ biến ở Đà Lạt.

Còn nhạc sĩ Phạm Duy đã nhìn Đà Lạt bằng một cách khác. Hình ảnh về đồi cỏ hồng Đà Lạt ngày nay là màu hồng đánh vào thị giác từ những màu sắc độc lạ của cỏ tuyết mọc dại ven bìa rừng hay hồ nước. Còn thuở ấy, Đà Lạt tặng riêng cho Phạm Duy một ngọn đồi cỏ hồng là ngọn đồi của tuổi tráng niên, của tâm tình dâng hiến, của những chuyến ra đi “rũ áo nơi đô thành” để “lên núi cao thanh bình”. Bản “Cỏ hồng” của Phạm Duy ấn hành năm 1970 biểu cảm hình ảnh con người hồn nhiên bên nhau và hòa quyện cùng thiên nhiên…

Yêu những ca khúc về Đà Lạt, chắc hẳn ai cũng đã từng ít nhất một lần ngân nga theo giai điệu “Ôi màu hoa đào! Màu hoa đào chiều xuân nào…”. Đà Lạt, khi đến thì say mê, ra đi thì đem lòng nhung nhớ: “Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương/ Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương”. Là người mới đến nhưng nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã thấu cảm thành phố này, tất cả được ông thể hiện qua ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” nổi tiếng. Một “mơ ước mộng đào nguyên” họa lên bức chân dung của thành phố khuất mình sau sương khói, núi rừng Tây Nguyên. Một “cô gái” Đà Lạt xinh đẹp, hiền hòa, vui tươi, chân tình nhưng e ấp, với “màu hoa đào” chính là gò má hồng đặc trưng xứ sở.

Từ thuở sơ khai, âm nhạc của Đà Lạt đã gắn liền với những quán cà phê, những phòng trà. Hòa cùng không gian ấy, nhạc quán Lục Huyền Cầm của vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên - Phương là tụ điểm sinh hoạt văn nghệ sang trọng, nơi tập hợp giới văn chương, âm nhạc và hội họa để bàn chuyện văn chương, tranh biện học thuật và kích thích cảm hứng sáng tạo. Những bài hát như “Vũng lầy của chúng ta” hay “Dạ khúc cho tình nhân” đã ra đời trong giai đoạn này. Hoặc như câu chuyện “tay đôi” giữa hai nhạc sĩ Minh Kỳ - Anh Bằng (có lúc gọi là Minh Kỳ - Dạ Cầm), không ai quên được hai ca khúc “Đà Lạt hoàng hôn” và “Thương về miền đất lạnh” của họ.

mot-khoang-ky-uc-ve-do-thi-am-nhac-da-lat-2-218.jpeg
Một buổi biểu diễn ca nhạc giữa không gian thiên nhiên Đà Lạt.

Nhắc đến hai ca khúc “Đà Lạt hoàng hôn” và “Thương về miền đất lạnh”, lại nhớ về danh ca Thanh Tuyền - người được ghi nhận là ca sĩ thể hiện hay nhất các tác phẩm trên. Sự nghiệp của Thanh Tuyền xuất phát từ những cuộc thi tiếng hát học trò, sau này là các hội văn nghệ tại Trường nữ trung học Bùi Thị Xuân và Đài Phát thanh Đà Lạt. Được giới chuyên môn đương thời nhận xét là “giọng ca truyền cảm mãnh liệt với tiếng hát êm ái”, Thanh Tuyền đã làm say đắm thính giả miền Nam những năm 1960…

Trên đây là những góp nhặt tư liệu sơ điểm một quãng ký ức của một đô thị âm nhạc. Và cứ như thế, dù trải qua không ít những biến động, nhưng Đà Lạt vẫn mãi mãi là nơi chốn của những giai điệu về xứ sở, về thân phận con người và tình yêu.

----------------------------------

*Tài liệu tham khảo: “Đà Lạt một thời hương xa”, nhà biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên; NXB Trẻ, tái bản 2022)

Theo Uông Thái Cát Tường (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm