Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Một lần đến Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những ngày này, các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Tôi lại nhớ về những kỷ niệm trong lần ra Tây Bắc và được các bạn đồng nghiệp ở Điện Biên đưa đi tham quan Di tích lịch sử Điện Biên Phủ nổi tiếng một thời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hồi còn đi học, khi đọc bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, tôi đã vô cùng ấn tượng với cảnh núi rừng Tây Bắc, đặc biệt với đèo Pha Đin và đèo Lũng Lô: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Vậy nên, khi đến đây, tôi mới thấy những con đèo ở Tây Nguyên chẳng thấm vào đâu với phong cảnh hùng vĩ, độ cao đầy thách thức và nguy hiểm của núi rừng Tây Bắc. Đèo Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo ngoạn mục nhất phía Bắc nước ta, nằm trên cung đường 41 (quốc lộ 6A), từ Chợ Bờ-Hòa Bình qua ngã ba Cò Nòi-Sơn La rồi vượt đèo Pha Đin về lòng chảo Mường Thanh-Điện Biên. Còn đèo Lũng Lô nằm trên quốc lộ 37, nơi giáp ranh tỉnh Yên Bái và Sơn La.

Cán bộ, viên chức Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Quang Tấn

Cán bộ, viên chức Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Quang Tấn

Trong kháng chiến chống Pháp, Trung ương Đảng ta quyết định mở con đường 13A từ chiến khu Việt Bắc đi qua đèo Lũng Lô nối với đường 41 để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên những cung đường huyết mạch đi tới thung lũng Mường Thanh, Điện Biên bấy giờ, địch đã dội hàng vạn tấn bom hòng cắt đứt sự di chuyển quân và viện trợ của ta trong chiến dịch “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” này. Mặc dù thời điểm tôi đi lại cung đường xưa đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng dường như ký ức trong tôi từ những bài học lịch sử vẫn còn nguyên vẹn như đang nghe thấy những đoàn quân rầm rập tiến về Tây Bắc, hàng vạn chiếc xe đạp thồ của thanh niên xung phong, anh chị em dân công hỏa tuyến, người gánh gồng, người mang vác lương thực, đạn dược đang hướng về tiền tuyến bất chấp gian khổ, hiểm nguy rình rập với quyết tâm sống mái với giặc trong trận chiến cuối cùng này. Dường như trong trận chiến đấu trọng yếu này, Trung ương Đảng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc ra trận, phục vụ chiến dịch với bản lĩnh phi thường và niềm tin tất thắng.

Gần như toàn bộ chuyến hành trình đến Điện Biên năm ấy, chúng tôi dành thời gian tham quan các di tích lịch sử để chiêm nghiệm và hiểu sâu hơn về sức mạnh dân tộc, lòng quả cảm của Nhân dân ta và nghệ thuật điều binh khiển tướng của quân đội ta khi đang còn rất non trẻ mà người chỉ huy kiên cường, tài ba đã từng làm quân Pháp khiếp đảm, đó là vị Đại tướng của Nhân dân-Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi được nghe thuyết minh kỹ càng về sự bố phòng của địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hệ thống cứ điểm liên hoàn, công sự vững chắc cùng sự chi viện tối đa của không quân, tạo nên “một pháo đài không thể công phá”. Các chỉ huy của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương rất lấy làm tự hào về sự bố phòng vững như bàn thạch của cứ điểm Điện Biên Phủ và luôn huênh hoang rằng, sẽ tiêu diệt toàn bộ quân chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, những dấu tích chiến tranh dường như đã chìm dần trong lòng đất, chỉ còn lại những bảo tàng, tượng đài và những di tích lịch sử. Nhìn qua cánh đồng Mường Thanh, vựa lúa của Tây Bắc được bao bọc bởi dòng Nậm Rốn trong xanh, chúng tôi không nghĩ trong lòng chảo xanh tươi này đã từng là trận địa đầy thuốc súng và máu lửa. Qua bờ Nậm Rốn về phía Đông Bắc Điện Biên, chúng tôi được giới thiệu ngọn đồi Him Lam, nơi xảy ra trận thư hùng mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13-3-1954 giữa quân đội ta và lính Pháp. Với ý chí phải “thắng ngay trận đầu”, các cánh quân của ta đã làm chủ “lá chắn thép” của địch chỉ sau 1 đêm tiến công. Anh hùng-liệt sĩ Phan Đình Giót, người lấy thân mình lấp lỗ châu mai trên cứ điểm số 2-đồi Him Lam trở thành biểu tượng cho ý chí đó, khích lệ tinh thần toàn quân thừa thắng xông lên làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thăm di tích trận địa đồi A1, nơi cứ điểm quan trọng phía Đông Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm kiên cố và địch bố trí hỏa lực mạnh, chúng tôi thực sự ấn tượng với một hố bộc phá sâu hoắm nằm trên đỉnh đồi, chứng tích của một vụ nổ long trời làm hiệu lệnh cho đợt xung phong cuối cùng, chiếm lĩnh ngọn đồi chiến lược này của quân Pháp. Để đưa được 1 tấn thuốc nổ vào ngay trung tâm cứ điểm này, bộ đội ta đã trải qua hàng chục ngày bí mật đào hầm đầy gian nan. Quả bộc phá được kích nổ đã làm tê liệt ý chí chiến đấu của quân địch, tạo điều kiện cho quân ta từ các hướng tấn công tiêu diệt các cánh quân địch còn lại. Đến sáng 7-5-1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của ta tung bay trên đỉnh cao đồi A1, báo hiệu ngày tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đến di tích căn hầm chỉ huy của tướng De Castries, viên tướng bại trận đầu hàng quân đội ta và bị bắt làm tù binh trong trận Điện Biên Phủ, chúng tôi ai nấy đều phấn khích, tự hào. Đây là vị chỉ huy lính Pháp ở Đông Dương có nhiều kinh nghiệm chiến trường, xuất thân từ một gia đình quý tộc, có nhiều anh em cũng là tướng lĩnh quân đội Pháp, được tướng Navarre rất tin tưởng và kỳ vọng. Trước khi được trao trả về Pháp, De Castries đã bày tỏ sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi được hân hạnh làm đối thủ của Tướng Giáp!”.

Sau khi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ A1, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến năm xưa, chúng tôi tiến thẳng về căn cứ địa cách mạng Mường Phăng, cách TP. Điện Biên Phủ khoảng 20 km, từng là nơi đặt sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng, nằm trong cánh rừng già đầy cổ thụ. Chúng tôi vô cùng xúc động khi đi tới từng căn hầm, lán trại, nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức giản dị và đơn sơ. Ngày ấy, nơi đây đã phát đi những quân lệnh đầy bản lĩnh và thông minh mở đường cho quân và dân ta làm nên một trận thắng oai hùng ghi vào sử xanh của dân tộc để cho hôm nay: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.

Có thể bạn quan tâm