Điểm đến Gia Lai

Một lần về Chư Mố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là tôi đang nhắc đến lần về Chư Mố (khi đó thuộc huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) để viết về một mối tình được truyền tụng ở vùng đất này. Sông Ba mùa cạn, quãng sang Chư Mố từng lạch nước trông như lọn tóc đen vờn quanh doi cát trắng. Núi Mố nhô lên giữa cánh đồng rộng trông tựa quả trứng khổng lồ ai để lệch.

Người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau rằng, từ lâu, con gái sinh ra ở vùng đất Chư Mố đã nổi tiếng xinh đẹp. Vẻ đẹp ấy đã được phủ lên một làn sương huyền thoại. Chuyện kể rằng, từ thuở khai thiên lập địa, vùng đất này đã sinh ra một người con gái tài sắc tên là Mố. Bao nhiêu tù trưởng giàu có đến xin Mố bắt làm chồng nhưng nàng chẳng chịu ai, chỉ say mê luyện voi, bắn nỏ.

Bấy giờ, cai quản Chư Hdrung (núi Hàm Rồng) là một vị thần độc ác và háo sắc. Nghe nói nàng Mố đẹp, hắn rắp tâm đem quân đến chiếm đoạt nàng. Hay tin, Mố nổi giận cùng dân làng ra quyết chiến. Cuộc huyết chiến diễn ra suốt 3 ngày 3 đêm. Hoảng sợ trước bông hoa đẹp mà có gai, thần núi phải lùi bước và xin cầu hòa. Để làm minh chứng cho điều ước, nàng Mố bẻ một mô đất ở Hàm Rồng đem về, đó chính là núi Mố ngày nay. Đáng buồn là sau ngày chiến thắng, nàng Mố bỗng dưng lâm bệnh nặng.

Các bạn trẻ huyện Ia Pa trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Mố năm 2018. Ảnh: CHÍ HÀO

Các bạn trẻ huyện Ia Pa trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Mố năm 2018. Ảnh: CHÍ HÀO

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, nàng nói với dân làng: “Ta không chồng, không con, cũng không có của cải gì để lại cho dân làng. Ta chỉ có sắc đẹp, bây giờ sẽ mang chia cho tất cả con gái trong làng. Dứt lời, nàng co mình lại. Lớp da trên mình nàng thốt nhiên biến thành một cánh hoa ê-pang. Nàng ngậm nó vào miệng rồi phun lên trời, biến thành một cơn mưa trắng muốt trùm lên tất cả mọi người con gái. Để tỏ lòng biết ơn nàng Mố, trong các lễ cúng, người Chư Mố phải gọi tên nàng trước các vị thần linh. Nếu ai đó lỡ quên thì phải sắm 1 ghè rượu, 1 con gà làm lễ tạ.

Bây giờ thì đôi bạn trẻ với mối tình xúc động đang ngồi trước mặt tôi. Hồng quê ở Bình Định. Sau thời gian quân ngũ, năm 1987, anh ra quân. Ở quê không có việc làm, Hồng lên Gia Lai đi đãi vàng. Ở bãi, anh đã tình cờ gặp H'Gam và cô đã kể cho anh nghe tình cảnh của mình. Theo phong tục, từ bé, H'Gam đã được mẹ hứa hôn với con của một người bạn. H'Gam không ưng và cô đã bỏ đi đãi vàng để biểu thị sự phản đối.

Bị chinh phục bởi vẻ đẹp và ý chí tự do của cô gái, anh đưa H'Gam về thưa chuyện với mẹ cô. Mẹ H'Gam không tin. Anh đưa cô về ra mắt cha mẹ mình cũng bị phản đối. Liệu đấy có phải là thứ tình yêu bồng bột nhất thời? Để chứng minh, họ quyết định tự tổ chức lễ cưới. Chỉ con gà với ghè rượu, 2 người nên vợ nên chồng và sống với nhau rất hạnh phúc. 4 đứa con của họ đều được học hành nên người. Một mối tình thật đẹp.

Nhưng hóa ra, Hồng và H'Gam không chỉ là mối tình Kinh-Jrai duy nhất. Các chàng trai người Kinh bị con gái Chư Mố “chinh phục” không ít. Năm đó, riêng số bị “cột chân” lại làng cũng đã 4-5 người. Chuyện trò với vợ chồng H'Gam, tôi được biết luật tục ở đây vẫn cho người con gái khá nhiều quyền trong tình yêu. Khi bé gái ra đời, người ta đã “đặt cọc”, tức cha mẹ hứa hôn cho con cái từ lúc lọt lòng. Tục lệ là thế, nhưng nếu lớn lên đôi trẻ không yêu nhau thì cha mẹ hai bên cũng không nỡ ép. Cũng theo lệ thường thì con gái phải cưới con trai, nhưng nếu chàng trai quá si mê thì nhà gái cũng cho phép “cưới ngược”. Lệ tục mà vẫn “dân chủ”, phải chăng là cội rễ để những mối tình đẹp bén duyên trên mảnh đất này.

Lan man trò chuyện, nhoáng cái đã quá trưa. Hồng bảo tôi muốn chụp ảnh người đẹp thì ra nhà mả. Thanh niên làng đang có mặt ngoài đó... Lại một ngạc nhiên với tôi. Chư Mố bây giờ không bỏ mả để người chết về với atâu mà “giữ lại” cúng giỗ như người Kinh. Các cô gái ai cũng quần jeans áo phông, trang điểm chẳng khác các cô gái Kinh trong đám cưới. “Chẳng mấy khi anh về Chư Mố. Một cang rượu phép, 2 cang rượu ma, 3 cang rượu tiễn”-các cô gái cười và thay nhau ấn cần rượu vào tay tôi. Những đôi mắt dịu dàng, sâu thẳm. Dưới sông chợt văng vẳng tiếng gọi đò. Bước chân chưa đi mà lòng tôi đã nghe nao nao tiếng sóng.

Có thể bạn quan tâm