Du lịch

Hành trang lữ hành

Một ngày ở ga Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu tiên, một đám cưới đặc biệt được tổ chức trên toa tàu cổ tại ga Đà Lạt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã để lại ấn tượng và cảm xúc khó quên trong lòng người dân cũng như du khách thập phương.
Ga Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Ga Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Chiều cuối năm của Đà Lạt, trong thời tiết se lạnh có chút mưa phùn, đầu tàu xe lửa cổ kéo theo những toa xe kết hoa rời ga Đà Lạt trong tiếng violin du dương. Trên hành trình 7 km từ ga Đà Lạt đến Trại Mát và ngược lại kéo dài 2 tiếng là đám cưới của chú rể Nguyễn Xuân Thịnh và cô dâu Lê Tuyết Hoa đều là nhân viên đang công tác tại ga.

Sự kết hợp tuyệt vời giữa harmonica và guitar ngay trong sân ga Đà Lạt

Sự kết hợp tuyệt vời giữa harmonica và guitar ngay trong sân ga Đà Lạt

Ở bên ngoài, toa tàu dài 21 m, rộng 3 m, được trang trí hoa lộng lẫy thu hút bao ánh nhìn của du khách. Còn bên trong, bàn dài đã được bố trí rượu vang, bánh kẹo và hoa quả để bằng hữu, bạn bè và các thành viên trong Công ty Đường sắt Việt Nam cùng tới chung vui với đôi bạn trẻ. Dọc theo toa tàu, phông sân khấu dựng sát vách, đính tên vợ chồng Xuân Thịnh - Tuyết Hoa thật đẹp đã chuẩn bị sẵn sàng cho một đám cưới đầu tiên trên toa tàu cổ.

Lần đầu tiên, một đám cưới được tổ chức trên toa tàu cổ tại ga Đà Lạt

Lần đầu tiên, một đám cưới được tổ chức trên toa tàu cổ tại ga Đà Lạt

Trong không gian ấm cúng, ngập tràn hạnh phúc, tiếng nhạc du dương đưa đoàn tàu chầm chậm lăn bánh, những nghi thức như rót rượu, nâng ly giao bôi được diễn ra trang trọng nhưng không kém phần lãng mạn. Chuyến tàu cổ mang tên hạnh phúc ấy đưa bạn bè, người thân và bằng hữu hai bên trải nghiệm một đám cưới mới mẻ với nhiều điều thú vị.

Màn biểu diễn violin ấn tượng trên chuyến tàu cổ

Màn biểu diễn violin ấn tượng trên chuyến tàu cổ

Lần đầu tiên dẫn chương trình tại một đám cưới “di động” trên toa tàu, MC Mỹ Liên chia sẻ: “Bản thân tôi với hơn 2 năm kinh nghiệm dẫn chương trình tại Đà Lạt, chủ yếu tôi hay dẫn tại các sảnh nhà hàng, trung tâm hội nghị tiệc cưới với không gian sân khấu rộng lớn, ánh sáng, âm thanh sôi động, các nội dung chương trình sẽ được tổ chức và sắp xếp cố định thì hôm nay, tôi có được một trải nghiệm mới đó là dẫn chương trình đám cưới trong không gian mới lạ tại ga Đà Lạt. Tôi cảm thấy khá thú vị và hay, đặc biệt hơn hết, đây sẽ là những khoảnh khắc vô cùng quý giá đối với cô dâu, chú rể cũng như người thân, bạn bè hai bên khi có những trải nghiệm trên chặng đường 14 km từ Đà Lạt đến Trại Mát”.

Ông Đặng Sỹ Mạnh-Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, để du khách trong và ngoài nước có những trải nghiệm mới mẻ khi đến với ga và đặc biệt để chào mừng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động như hỏa xa cà phê; biểu diễn miễn phí các tiết mục violin, guitar, harmonica từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp; lắp đặt wifi, phục vụ chụp ảnh, quay phim, nước uống miễn phí; sử dụng đèn Led định vị vào buổi tối làm nổi bật các nét kiến trúc độc đáo và cổ kính tại ga Đà Lạt.

“Ngoài thử nghiệm mô hình tổ chức đám cưới trên tàu lần này, đơn vị đã và đang triển khai nhiều loại hình dịch vụ khác để có thể khai thác tối đa và hiệu quả. Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, chúng tôi thấy được rằng, ngành đường sắt không chỉ là một loại hình vận chuyển hành khách từ điểm A đến điểm B, mà ngành còn được xem như một chứng nhân lịch sử với nhiều câu chuyện văn hoá, công trình kiến trúc xưa… Qua đó, ngành mong muốn bạn bè, du khách trong và ngoài nước khi đến với ga Đà Lạt hay nhà ga ở một số tỉnh, thành sẽ có những trải nghiệm mới lạ và thú vị bởi những câu chuyện của người dân, của đất nước mình mà ngành đường sắt mang lại”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay.

Ga Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc nổi bật và mang tính biểu tượng của thành phố ngàn hoa. Ga hỏa xa Đà Lạt còn là công trình tiêu biểu của hai kiến trúc sư người Pháp Paul Moncet và Reveron thiết kế và hoàn thành năm 1936. Năm 2001, ga Đà Lạt được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách đến tham quan. Tuyến đường sắt chỉ dài 7 km nhưng là dấu ấn duy nhất còn lại của tuyến đường hỏa xa Tháp Chàm - Đà Lạt năm xưa. Hiện nay, chuyến tàu cổ hoạt động đều đặn tất cả các ngày trong tuần và phục vụ trung bình 4 chuyến tàu với hơn 1.000 lượt hành khách.

Có thể bạn quan tâm