"Quy hoạch treo" là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi trong kế hoạch sử dụng đất cho một hay nhiều mục đích khác nhau, đã công bố là sẽ thu hồi đất nhưng không thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch.
Thời hạn quy hoạch treo bao lâu thì kết thúc?
Luật Đất đai nước ta không nêu rõ về việc "dự án treo" trong thời hạn bao lâu thì bị hủy bỏ mà chỉ có thời hạn hủy bỏ quy hoạch đối với việc thu hồi hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, nếu sau 3 năm không có quyết định thu hồi đất, chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất kể từ ngày công bố quy hoạch theo quy định tại Khoản 8 Điều 49 Luật Đất đai 2013 sửa đổi.
Các dự án, quy hoạch treo sẽ bị hủy nếu sau 3 năm không thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt. Ảnh: Phan Anh |
Có được cấp sổ đỏ cho đất quy hoạch treo không?
Theo Khoản 8 Điều 49 Luật Đất đai 2013 sửa đổi bổ sung 2019 quy định, trong thời hạn 3 năm mà chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì phải điều chỉnh, hủy bỏ và công bố hủy bỏ thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Khoản 6 Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định, trong trường hợp đã nhận được thông báo hoặc quyết định thu hồi đất thì phần diện tích nằm trong quy hoạch đó sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Do vậy, đối với đất dính quy hoạch treo thì chỉ có thể làm sổ đỏ nếu có công bố hủy bỏ thu hồi đất. Khi đó, người sử dụng đất mới có thể làm thủ tục xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trong trường hợp dự án treo không được công bố hủy bỏ thì người sử dụng đất có quyền sử dụng hạn chế theo quy định tại Khoản 7 Điều 49 Luật Đất đai sửa đổi.
Đối với đất dính quy hoạch treo thì chỉ có thể làm sổ đỏ nếu có công bố hủy bỏ thu hồi đất. Ảnh: LĐO |
Có được xây nhà trên đất quy hoạch treo?
Việc sửa chữa, cải tạo hay xây mới nhà ở trong khu vực thuộc quy hoạch được quy định tại Khoản 5 Điều 94 Luật Xây dựng 2014.
Theo đó, công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây mới và chỉ cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, sửa chữa.
Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2021, quy định trên được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:
Với công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp phép cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, sửa chữa.
Trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Bồi thường quy hoạch treo
Việc đền bù, bồi thường thiệt hại cho công trình, nhà ở… phụ thuộc vào thời điểm tồn tại và xây dựng công trình, nhà ở đó trên đất quy hoạch như sau:
Trường hợp 1: Tài sản trên đất đã có quy hoạch chưa công bố, có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện thì khi có kế hoạch sử dụng đất và quyết định thu hồi của Nhà nước sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật nếu lỡ xây xong mà quy hoạch.
Trường hợp 2: Tài sản trên đất đã có quy hoạch, đã được công bố và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của quận thì sẽ không được bồi thường khi thu hồi đất.
Thực trạng dự án treo, quy hoạch treo kéo dài hàng năm trời gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng hiện vẫn chưa có quy định đền bù, bồi thường cụ thể.
PHƯƠNG DUY (T/H/LĐO)