Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mưa ấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khoảng 8 giờ tối đò đi qua một thị trấn nhỏ. Ông lái đò cập vào bờ, nói: “Các anh, các chị nghỉ đây một chút. Tôi lên bờ có tí việc. Xuống ngay”. Ông cắm sào, buộc dây đò, rồi dò dẫm lên dốc bờ sông.

Sương phủ kín sông. Hai bên bờ lặng phắc, và trong sương đâu đó le lói ánh lửa. Chẳng bao giờ chúng tôi lại có chuyến đi như thế này:  Năm nay chúng tôi đi hội Chùa Hương sớm hơn những lần trước. Cả bọn thuê chuyến đò từ ngã ba sông ở thị trấn Ba Thá đến đoạn sông gần chùa Hương. Buổi dời bến dưới chân cầu Ba Thá sau bữa chiều. Ba tiếng đồng hồ đi được bảy cây số đường sông. Càng đi trời càng tối, sương sông lên mỗi lúc một dày. Đôi bờ sông từ từ bị bóng tối và sương khỏa lấp. Chúng tôi trò chuyện mỗi lúc một thưa. Cuối cùng ai nấy đều im lặng thả ý nghĩ vào sông nước, sương khói. Ông lái đò đã trở lại, tay xách theo vật gì đó.

- Ông mua được gì thế?

- À hà. Mua gì đâu, tôi lấy cái điếu đồng. Bỏ chữa trên thị trấn nửa tháng nay. Giờ mới có dịp qua. Ông lái cởi dây đò. Con đò lại lặng lẽ rời bến. “Điếu đồng là cái gì, bác lái ơi?” - một người lên tiếng hỏi, chắc cậu ta từ nãy đến giờ vẫn băn khoăn về điều đó. “À hà. Các anh chị ở thành phố chắc không quen cái này - từ dưới đuôi đò ông lái nói - nó là cái điếu bát hút thuốc lào làm bằng đồng, ngày xưa các cụ dùng đồ đồng nhiều lắm. Mâm đồng, nồi đồng, ấm đồng, chậu đồng, cơi đồng… Bây giờ bói cũng chẳng thấy”.

- Chỗ lúc nãy bác lên là thị trấn đấy à? “Thị trấn đấy - ông lái nói - thị trấn Kinh Đà. Nhưng chúng tôi vùng này không gọi là thị trấn mà là phố Kinh Đà”. “Phố Kinh Đà có gì hay không ông lái?”. “Ghê lắm. Ghê lắm!”. Tiếng chèo khỏa nước đều đều. Ông lái im lặng sau câu nói xuýt xoa ấy. Tôi nhìn ra xung quanh không biết đâu là nước đâu là sương, đâu là bờ đâu là sông nữa. “Ghê lắm” về cái gì hở, ông lái? - một người sốt ruột hỏi.

- Nhiều chuyện lắm, trộm cướp, đâm chém, bố chồng con dâu... Nhưng ghê nhất vẫn là chuyện ông hàn nồi. Cái điếu đồng của tôi là ông ấy chữa đấy. “Ông kể cho chúng cháu nghe xem nào”. “À hà. Cứ thong thả, tôi biết nhiều chuyện vặt lắm, Hết sông cũng chưa hết chuyện. Hút điếu thuốc xong, tôi kể nghe cho đỡ buồn”. Ông lái xòe diêm. Chiếc điếu đồng hắt sáng. Mùi thuốc lào thơm thơm tạt qua chúng tôi. “Thằng Mỡ chèo chậm lại một chút - ông lái bảo anh con trai - có gió thuận đấy. Mai sẽ mưa đẹp lắm. Gió ấm thế này cơ mà”. Bọn chúng tôi lục đục chuẩn bị chỗ ngồi. Các cô bạn gái ngồi túm vào nhau, choàng chăn chiên kín cổ.


 

 


“Không ai biết tên ông hàn nồi phố Kinh Đà. Mọi người gọi ông là Hàn. Có lẽ vì nghề của ông thế, gọi mãi thành tên thật. Bố ông là người vùng khác dạt đến Kinh Đà và lấy vợ sinh con. Ông cụ mất sớm. Trước khi chết ông cụ để lại cho đứa con trai độc nhất của mình chiếc búa hàn,  cái kéo cắt đồng và cái bồ nhỏ đựng toàn những miếng đồng vụn. Ông Hàn lấy toàn bộ gia tài của cha không một giọt nước. Ông ở lại túp lều cũ, tiếp tục công việc của người bố. Năm đó, ông Hàn 14 tuổi. Buổi sáng ông dậy sớm, và cứ thế gõ búa đến tối. Những lúc không có khách, ông ngồi lau từng miếng đồng vụn sáng đến nỗi người ta ngỡ đó là miếng vàng. Trong bồ có bao nhiêu miếng đồng ông đều nhớ.

Năm 18 tuổi ông lấy vợ. Vợ ông là một người đàn bà đẹp ở cái phố chợ ấy. Nhưng chỉ sau vài tháng, người đàn bà đó bỏ ông và ra đi biệt tăm. Cô ta lấy ông bởi nghĩ rằng ông có nhiều vàng thật. Nhiều đêm cô ta gạ hỏi ông về những miếng vàng lá, ông tủm tỉm không nói gì. Thế rồi một lần ông đi vắng, người đàn bà đã lục tung mọi xó xỉnh trong túp lều của ông để tìm vàng, nhưng chỉ thấy những miếng đồng vụn được lau chùi sáng bóng như gương. Thất vọng, người đàn bà bỏ ông ra đi, sau một đêm khóc lóc vì uất ức và nguyền rủa ông.

Ông không đi tìm người đàn bà đó. Ông ở lại túp lều của ông và tiếp tục gõ búa ngày ngày. Cho đến một buổi chiều, có một người đàn bà làm nghề chài lưới trên sông đến lều ông và mang theo một chiếc nồi đồng. Khi ông làm xong chiếc nồi cho người đàn bà xa lạ thì trời nổi giông. Mưa đổ. Phố chợ chìm trong mưa. Cóc nhái ra đầy đường. Con dốc chạy xuống sông mù trắng. Mưa miên man và không có dấu hiệu tạnh sớm. Người đàn bà nhìn túp lều của ông, nói: “Cho tôi ở lại, hết mưa tôi đi”.

- “Ừ” ông trả lời. Trời sập tối trong mưa. Ông bắc nồi cơm và hỏi: “Ăn cơm nhé?” - “Vâng”. Đến khuya mưa vẫn không ngớt. Bão to hơn. Người đàn bà hỏi: “Cho tôi ngủ nhờ một tối?” - “Ừ” ông Hàn đáp và dọn chỗ ngủ cho người đàn bà xa lạ. Nền túp lều bị dột sũng nước. Gần trưa hôm sau người đàn bà xách chiếc nồi đồng xuống bến và ra đi. Hơn hai năm sau, người đàn bà trở lại và mang theo một đứa bé. Đặt đứa bé chập chững xuống nền túp lều, người đàn bà nói: “Con ông đấy”.

Ông Hàn lặng lẽ nhìn đứa bé và “ừ” một tiếng. Người đàn bà ở lại với ông mươi ngày. Chị giúp ông sửa sang túp lều. Dân phố chợ xì xào suốt ngày về sự kiện đó. Ông Hàn vẫn im lặng và gõ búa. Rồi một buổi tối sau bữa cơm, người đàn bà nói với ông Hàn: “Tôi phải đi, ở lâu trên bờ tôi không chịu được. Ông cố trông nom thằng bé cẩn thận. Tôi sẽ quay lại”. “Ừ” ông Hàn nói và chăm chắm nhìn đứa bé. Đến khuya người đàn bà lặng lẽ xuống bến. Chị để lại cho ông và đứa bé bọc cá khô lớn và đẩy thuyền ra đi.

Ông không biết người đàn bà đi đâu. Ông không biết đứa bé có phải con ông không. Nhưng ông yêu đứa bé và nó làm cho cuộc sống của ông như có điều gì đó vô cùng kỳ lạ. Đêm khuya, khi cả phố chợ đã chìm đắm vào giấc ngủ, ông lại nhớ đến đêm đầu tiên người đàn bà ở trong túp lều của ông. Đêm ấy chị cởi tấm áo mỏng và đến trước ông. Chị nhìn xuống đôi bầu vú đẹp đến kiêu hãnh của mình và hỏi ông: “Ông có vừa lòng không?”.

Và cũng hơn hai năm sau, người đàn bà trở lại. Cả phố chợ xôn xao khi nhận ra chị từ dốc sông đi lên. Lưng chị cõng một đứa bé khác và tay xách một bọc cá khô lớn. Người đàn bà đặt đứa bé trước ông. Ông Hàn nhìn đứa bé rất lâu rồi ngước nhìn người đàn bà thầm hỏi: “Đứa bé này là thế nào?”. Người đàn bà nói: “Con ông đấy”. Giọng chị nhỏ, nhưng quả quyết và đầy kiêu hãnh. Lần này người đàn bà ở lại với ông lâu hơn. Chị giúp ông dựng ngôi nhà mới với số tiền bán cá chị giành dụm được. Dân phố chợ đồn đại biết bao nhiêu chuyện về chị, về những đứa con và những chuyến đi biền biệt của chị. Sau gần một tháng ở lại phố chợ, người đàn bà để lại hai đứa bé cho ông Hàn và lại lên thuyền.

Như hạn định, hơn hai năm sau đó chị lại trở về. Và trên lưng chị lại một đứa bé khác, tay chị xách một bọc cá khô lớn. “Con tôi chứ?” ông Hàn hỏi khi người đàn bà đỡ đứa bé từ trên lưng xuống. “Con ông đấy” người đàn bà nói và bước đến góc nhà. Chị tháo chiếc bao tải đựng cá khô lần trước, mang ra cửa giũ tải. Chỉ còn lại một con cá khô nhỏ bị kiến ăn rỗng. Chị treo tải cá khô mới vào góc nhà. Lần này, người đàn bà ở lại với ông Hàn và đứa nhỏ lâu hơn hai lần trước. Dân phố chợ lại ít ngủ hơn bởi những câu chuyện về chị. Chị đi giữa chợ rạng rỡ và tươi tắn, nước da rám nắng và một bầu ngực căng tròn. Rồi chị lại ra đi, những đứa bé con xuống bến sông tiễn mẹ. Ông Hàn vẫn lặng lẽ lau chùi những đồng vụn.

Hai năm trôi  qua. Năm năm trôi qua. Mười năm trôi qua. Và…

Người đàn bà không thấy trở lại. Mỗi khi có chiếc thuyền lạ cập bến dân phố chợ lại xôn xao. Người ta không thấy ông Hàn nhắc đến người đàn bà bao giờ. Đôi khi họ rình xem buổi tối ông có xuống bến ngóng đợi không? Nhưng cuộc sống ông Hàn hình như vẫn như xưa. Ông vẫn hàng ngày gõ búa và lau chùi những miếng đồng vụn. Những đứa bé lớn lên thành những chàng trai đẹp đẽ và khỏe mạnh, nhưng không đứa nào theo nghề ông. Chúng lần lượt rời ông đi kiếm sống và lập nghiệp ở thành phố.

Cho đến một buổi chiều khi ông đã già, một chiếc thuyền nhỏ cập bến. Dân phố chợ không còn để ý đến những chiếc thuyền lạ nữa. Người đàn bà trở về. Tóc người đàn bà đã bạc, bầu ngực căng tròn xưa kia đã biến mất. Trên lưng người đàn bà không còn một đứa bé nào nữa. Thay vào đó một bao tải cá khô to gấp nhiều lần những bọc cá khô lần trước. Người đàn bà chậm chạp đi lên dốc bờ sông.

Ông Hàn ngước đôi mắt không còn tinh nhanh như xưa nhìn người đàn bà. Tay vẫn lau miếng đồng vụn, ông hỏi: “Sao bà đi lâu thế?”. Người đàn bà đặt bao tải cá khô xuống và nói: “Chúng nó bỏ ông đi hết rồi à?”- “Không phải bỏ, việc của chúng nó, sao bà biết?” - “Tôi biết, bởi thế tôi trở về đây với ông” - “Bà đừng đi nữa” ông Hàn nói giọng nghẹn lại. Lần đầu tiên trong đời ông muốn người đàn bà ở lại với ông. Lần đầu tiên ông thấy cô đơn. Đêm ấy, người đàn bà xuống sông, chất củi đốt con thuyền mà bà gắn bó gần hết cả cuộc đời mình.

*

Câu chuyện đã kể xong từ lâu. Tất cả chúng tôi im lặng. Chỉ còn tiếng nước chảy mơ hồ hai bên mạn đò. Sương đặc. Đò như trôi một thế giới hoang đường.

- Các anh, các chị ngủ đi. Mai thăm chùa, leo núi, mệt đấy.

- Tôi cảm thấy bức bối bởi câu chuyện - một người trong bọn tôi lên tiếng.

- Tớ lại không - người khác nói - Lòng tớ nhẹ bỗng như sương.

- Những đứa con đó có phải là con của ông Hàn không, hở bác lái?

- Có giời mới biết. Nhưng với ông Hàn chúng là con ông. Tất cả là ở đấy.

- Thế người đàn bà kia đi đâu và sinh nở như thế nào?

- Đấy là bí mật. Và bí mật đó làm cho cuộc sống buồn tẻ ở phố chợ này có ý nghĩa.

Sau những lời bàn luận, tất cả lại im lặng. Con đò như trôi trong không trung. Càng về khuya gió ấm về càng đầy. “Nếu các anh, các chị chưa buồn ngủ tôi kể cho nghe câu chuyện khác” - ông lái nói.

- Ông kể đi, kể đi - chúng tôi nhao nhao.

- Chúng ta đang ở địa phận sông làng Áng Thượng, một vùng trồng vải, nhưng không phải vải thiều. Ở đó có một cô gái mù từ nhỏ. Những đêm trăng hạ cô thường ra sông tắm…

Trời đã bắt đầu có mưa bụi. Hơi mưa ấm lạ lùng. Từ hai bên bờ sông mơ hồ nghe tiếng mầm cây rầm rì thức dậy. Nhưng mà nghe gần lắm, hình như là ở ngay hai bên mạn đò gỗ.

Truyện ngắn NGUYỄN QUANG THIỀU
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm