Kinh tế

Nông nghiệp

Mùa cà phê kém vui

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời điểm này, người trồng cà phê tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông… đang bước vào mùa thu hoạch. Nhưng dù được mùa, các nhà vườn vẫn kém vui vì giá cà phê xuống thấp, không đủ chi trả tiền đầu tư, công chăm sóc và nguy cơ thiếu hụt vốn để tái sản xuất mùa vụ sang năm. 
 
Cà phê tại huyện Bù Đăng vào vụ thu hoạch
Được mùa, mất giá
Tỉnh Bình Phước có 16.000ha cà phê, tập trung tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và Đồng Phú. Khác với các tỉnh Tây Nguyên, cà phê ở Bình Phước không được trồng tập trung mà phân tán trên nhiều khu vực. Ghi nhận tại các nhà vườn, thời điểm này hầu hết các vườn cà phê đang bước vào giai đoạn chín rộ, có năng suất cao hơn năm trước. Tuy nhiên, giá cà phê tươi chỉ còn 6.000 đồng/kg, cà phê nhân dao động 30.000 - 32.000 đồng/kg, được coi là thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. 
Ông Lê Văn Tấn (ngụ xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) có thâm niên 13 năm trồng cà phê, cho biết, gia đình ông có hơn 1,7ha cà phê và năm trước thu hơn 5 tấn cà phê nhân, bán trên 37.000 đồng/kg. Ông tự tin năm nay năng suất sẽ vượt trên 7 tấn nhưng do giá còn 32.000 đồng/kg cà phê nhân nên gia đình lo lắng. “Hơn chục năm trồng cà phê, chưa năm nào giá thấp như năm nay. Năm thấp nhất cũng đạt ngưỡng 35.000 đồng/kg cà phê nhân. Nếu giá không tăng, người nông dân trồng cà phê sẽ không có lời, không đủ bù công chăm sóc. Do đó, gia đình tôi chưa vội bán mà trữ lại để chờ được giá”, ông Lê Văn Tấn nói.
Tiểu khu 23, xã Đắc Nhau (huyện Bù Đăng) giáp ranh tỉnh Đắc Nông là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nên bà con trồng cà phê thường bị thương lái ép giá khoảng 31.000 đồng/kg cà phê nhân. Trước tình trạng giá cà phê xuống thấp, anh Nông Văn Phương (ngụ tiểu khu 23) có gần 10 năm gắn bó với cây cà phê, cho biết, gia đình anh có 1,5ha cà phê trồng xen điều, mọi năm dù mất mùa, mất giá nhưng cây cà phê giá tương đối nên bù lại chi phí bỏ ra. Năm nay năng suất cà phê cao hơn chút ít nhưng giá lại quá thấp. “Nếu giá cứ giữ ở mức này, thời gian tới vợ chồng tôi phải tiếp tục làm thuê trang trải cuộc sống”, anh Phương buồn rầu nói. 
Nỗi lo vụ sau
Với rất nhiều nông hộ Bình Phước, cà phê là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình nên việc giá cả xuống thấp khiến người nông dân ngao ngán. Thu vụ mùa không đủ bù vốn thì việc tái đầu tư cho cây trồng sang năm sẽ gặp nhiều khó khăn. 
Huyện Đồng Phú hiện có hơn 877 ha cà phê, tập trung ở các xã Tân Hưng, Tân Phước, Thuận Phú, Đồng Tiến, Đồng Tâm với năng suất bình quân 2 - 3 tấn/ha. Thời điểm này, nhiều hộ phải tranh thủ thu hoạch cà phê cả non lẫn già mà không quan tâm đến chất lượng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, dù rớt giá nhưng cây cà phê vẫn có đầu ra ổn định và xuất khẩu đi nhiều nước. Để gắn bó và làm giàu từ cà phê, nông dân cần chuyển đổi hình thức canh tác, tập trung vào liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ để giảm chi phí đầu tư và ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, bà con cần mạnh dạn chuyển đổi những vườn cà phê già cỗi năng suất kém sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chị Phạm Thị Lan (ngụ xã Tân Phước) đang hối hả thu hoạch những chùm cà phê đang trong quá trình chuyển màu chín đỏ, trong đó vẫn còn xen lẫn nhiều quả xanh non. Chị Lan cho hay, mọi năm phải chờ chín nhiều rồi mới thuê người phụ thu hoạch một lần, nhưng năm nay giá cả thấp quá, nếu thuê nhân công thì lỗ nặng, nên hai vợ chồng tranh thủ tự thu hoạch dần. “Dẫu biết là chưa chín đều và còn nhiều trái non dẫn đến mất năng suất và chất lượng kém, nhưng biết làm sao được”, chị Lan nói. 

Là hộ trồng chuyên canh 2ha cà phê hơn 10 năm nay, anh Hoàng Văn Pảo (ngụ xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập) có kinh tế khá giả trong vùng, nhưng giờ thì gia đình anh đang lo lắng.
“Mùa vụ năm ngoái, tôi thu được hơn 10 tấn nhân nên đủ tiền để tái đầu tư nâng cao năng suất vụ này. Năm nay, ước tính năng suất sẽ cao hơn năm trước vài tấn nhưng với giá thấp như hiện nay, việc tái đầu tư sẽ khó khăn. Nếu tình trạng được mùa mất giá cứ tiếp diễn, tôi buộc phải giảm bớt chi phí đầu tư”, anh Pảo nói.
Gần nhà anh Pảo, với 2ha cà phê trồng xen điều, ông Điểu Rên thuê người hái với giá 1.000 đồng/kg cà phê tươi. Với giá bán 6.000 đồng/kg cà phê tươi, sau khi trừ công hái, chỉ còn 5.000 đồng/kg. Mùa vụ năm nay, gia đình ông không dám thuê mà chỉ đổi công phụ nhau thu hoạch cà phê.
Ông cho rằng, việc tái đầu tư cho vườn cây chỉ nên cầm chừng chứ không còn mạnh dạn như trước. “Không có tiền thì phải bón phân, tưới tiêu, phun thuốc ít lại. Hiện gia đình chưa dám bán, chờ giá tăng để vớt vát lại công đầu tư và chăm sóc”.
Hoàng Bắc (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm