Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mùa che mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau Tết, khi những đám mía lác đác phất cờ, ngọn chỉ còn dăm chiếc lá mọc sít nhau như hình nan quạt là lúc quê tôi bước vào mùa che mía. Từng nhóm khoảng mươi nhà hùn nhau mướn 1 bộ che (dân làng gọi là “ông Che”), chọn địa điểm thuận tiện, dựng chòi, coi ngày tốt động thổ mở lò, rước “ông Che”. Một năm thu hoạch nhiều loại hoa màu nhưng riêng vụ mía thì phải cúng mở lò.

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Người mở lò phải là người có kinh nghiệm. Năm trước, ai mở mà lò xảy ra tai nạn thì năm sau người đó không được làm việc này nữa. Như thế, chủ che và chủ mía mới yên tâm. Vì có năm đang nấu, lò sập, đường hư, người bị bỏng!

Việc làm lò phải thật kỹ lưỡng để đảm bảo sự an toàn. Chọn chỗ đất cứng, đào sâu khoảng 1,5 m, chiều rộng, chiều dài phụ thuộc vào số chảo, phổ biến là lò 4 chảo. Đào xong, trét đất hoặc xây gạch xung quanh chống sạt lở, chừa miệng lò và lỗ thông hơi. Quan trọng nhất là làm bộ khung nắp lò, sao cho chịu được sức nặng của những chảo đường ở trên. Lấy mấy cây gỗ to, chắc, gác trên mặt lò, quấn dây thép gai bùng nhùng, dùng rơm trộn đất bọc lại để chống cháy, đặt chảo lên, tiếp tục trét cho kín mặt lò. Đợi mấy ngày cho khô, phải xông rồi mới nấu.

Người dân chặt mía không dùng dao, rựa mà dùng cuốc để “xỡng”. Giũa lưỡi cuốc thật bén, “xỡng” cả bụi mía rất nhanh, cây mía được chặt sát đất, phần gốc còn lại bằng siếng chớ không lởm chởm, đi chân trần trên đó không bị đâm. Đây là phần việc của đàn ông. Phụ nữ làm các việc nhẹ hơn: dùng câu liêm róc lá, trảy ngọn, lấy ngọn làm dây cột thân mía thành bó rồi trai tráng vác đến chòi để che ép.

Thời chưa có máy ép mía, bộ che được làm bằng những trục gỗ tròn, cứng. Kéo che là vài con bò đực to khỏe thay phiên nhau, cũng có con “bắt mánh”, đủng đỉnh đứng nhai lại, chủ phải cầm roi dứ dứ mới chịu kéo. Cho che ăn mía thường là một cu cậu choai choai, người lớn vác bã mía đem phơi khô làm bổi.

Tại lò, thợ nấu đường dùng vá lưới đan bằng kẽm, cán dài quậy đều, vớt bọt. Quá trình làm ra đường phải qua nhiều giai đoạn: nấu nước mía thành “chè hai”, tiếp theo là cô “chè hai”, múc đổ vào thùng đất (muỗng đường) miệng loe, đáy túm có lỗ, dùng nùn rơm nhét kín tạm thời, sau này rút ra cho mật chảy sạch, sản phẩm cuối cùng là đường.

Mùa che mía xóm làng khẩn trương, rộn ràng! Mía hạ xuống rào rào chen với tiếng cười nói rôm rả. Sau khi chặt, vườn tược thoáng đãng, nhà này với nhà kia tự nhiên thấy gần. Bã mía trắng phau phơi khắp mặt đất. Không khí thơm lừng mùi “chè hai”, mùi đường vừa chín tới. Những đêm trăng sáng, cánh con trai con gái có cớ gặp nhau, thỉnh thoảng phụ giúp chủ mía, chủ che đôi việc: con trai cột bó bổi ném vào lò, con gái cho che ăn mía. Chủ mía đãi họ gáo nước “chè hai” ngọt thanh, thơm dịu. Sẵn lò, có củ lang, củ mì gòn lùi một lát là chín, cả đám cùng ăn vui vẻ.

Từ ngày có nhà máy đường, cách chế biến thủ công không còn nữa. Nhưng mỗi khi có dịp nhìn cánh đồng mía bạt ngàn, ký ức mùa che mía dâng trào trong tôi với bao dư vị, như gáo nước “chè hai” đọng mãi trong tâm hồn.

PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm