(GLO)- Những ngày này, đi qua con đường rợp bóng cây, ta sẽ được nghe tiếng ve ngân réo rắt. Từng cây phượng với cành khô khẳng khiu đã bắt đầu đâm chồi thay lá và những cánh phượng hồng đầu tiên đã kín đáo khoe màu, chuẩn bị cho những ngày thắp lửa giữa mùa hạ rực rỡ. Mùa hạ vùng cao nguyên này không kéo dài cái nắng chói chang, cái nóng hầm hập. Đây là mùa của những cơn mưa đem lại màu xanh và sự trù phú, làm ướt đẫm tình yêu quê hương cho những ai từng sống ở vùng đất đỏ bazan hai mùa mưa nắng này.
Từ khoảng tháng 11 là Tây Nguyên bước vào mùa khô. Ngày khô hanh dai dẳng đã khiến những dòng mương, những giếng nước cạn khô. Người nông dân phải vét từng giọt nước để tưới rau, phải đi rất xa để xin từng thùng nước uống. Trong những ngày khô khát, cơn mưa đầu mùa thường được coi là “mưa vàng”, “mưa bạc” cho cây cối, mùa màng tốt tươi và cho người dân đủ nước sinh hoạt.
Tháng tư, khi mùa khô đã lên đến đỉnh điểm, một buổi chiều nọ, ta chợt cảm nhận làn gió mang hơi nước mát rượi. Rồi từ đằng Đông, những đám mây đen bắt đầu kéo tới. Những đám mây ấy dày dần lên, che khuất mặt trời làm trời đất tối sầm lại. Những tia chớp lóe lên, rạch những vạch sáng vào nền trời đen kèm theo tiếng sấm ì ầm. Lộp độp, lộp độp… Những hạt mưa đầu tiên đã rơi xuống trên mái tôn, trên sân nhà. Mưa nhanh dần và rồi những làn nước xối xả trút xuống tưới tắm hàng cây, mái nhà đầy bụi bám. Cơn mưa chỉ kéo dài khoảng 30 phút rồi dần tạnh, trả lại bầu trời trong trẻo và sự sạch sẽ hơn cho làng mạc, phố phường. Cơn mưa làm dịu đi cái nóng, làm cho hàng cây xanh tươi hơn, rồi chồi non từ mặt đất lại trồi lên, những bờ cỏ lại mơn mởn cho những chú bò được nhởn nhơ thưởng thức. Nhìn ngắm những giọt mưa đầu mùa qua cửa sổ, những hạt nước lấp lánh như pha lê rắc lên vườn cây, mặt đất, mái nhà thấy thú vị biết bao. Trải qua bao mùa mưa nắng nơi đây rồi, vậy mà khi nghe trong gió hơi hướng của một cơn mưa đầu mùa, lòng tôi lại bồi hồi một cảm xúc rất thiết tha, khó gọi được thành tên. Tôi nhớ những mùa mưa đã qua.
Ảnh minh họa. |
Nhớ những cơn mưa đầu mùa ngày tôi còn là học sinh trường làng. Những buổi chiều vừa tan học gặp mưa là cứ băng mưa mà về. Người ướt như chuột lột mà lại vô cùng thích thú trong khi ba má thì lo sợ tôi bệnh tật ốm đau. Trời mưa nước chảy thành dòng như những con mương nhỏ dọc đường đi học. Mưa đầu mùa nước đục ngầu là vậy mà cả bọn cứ hùa nhau lội phá. Thoáng cái tuổi thơ đã trôi đi và những trò nghịch dại ngày nào lại trở thành một ký ức khó phôi pha. Lớn lên một chút, nếu không đem áo mưa thì chúng tôi sẽ vào phòng các thầy cô trong khu nhà tập thể trú mưa. Từ trong phòng các thầy cô nhìn ra những ngôi nhà xung quanh trường nằm khuất giữa vườn cây, chúng tôi lặng ngắm mưa rơi rơi trên lá. Mưa đầu mùa thường không dầm dề như những trận mưa giữa mùa. Những cơn mưa ngắn đủ để tắm ướt cây cỏ đất đai, cho sự sống hồi sinh. Mưa đầu mùa cũng là vào những ngày gần cuối năm học, khi những cây phượng giữa sân trường bừng sáng một sắc đỏ lung linh. Mưa gió làm những cánh phượng hồng lả tả rụng rơi. Hình ảnh sân trường với thảm đỏ hoa phượng thật gần gũi biết bao với những ai đã từng đi qua tuổi học trò thơ dại.
Khi những cơn mưa đầu mùa đem đến đủ độ ẩm cho đất là một mùa trồng trọt mới trên những nương rẫy bắt đầu. Người nông dân trỉa bắp, trỉa đậu phộng, gieo lúa rẫy. Chỉ một thời gian ngắn thôi, những đám rẫy đã phủ màu xanh. Những đứa trẻ lớn lên cùng ruộng đồng, nương rẫy có thể ngắm cây từ lúc lá mầm mới nảy lên từ đất, vì vậy mà bài học về cây 1 lá mầm, 2 lá mầm luôn thật dễ dàng và thú vị. Mưa, đồi cỏ sẽ lại xanh tốt và những ngày hè cùng bạn bè rong ruổi chăn bò cắt cỏ với bao niềm vui thôn dã lại sắp sửa bắt đầu.
Giờ đây, sống chốn thị thành, ta có nước máy, nước giếng khoan, có quạt điện, máy điều hòa làm dịu mát. Nỗi mong chờ mưa vì vậy cũng không quá khắc khoải. Vậy nhưng, khi ngắm những cơn mưa đầu mùa trên một con phố vắng, lắng nghe tiếng hát ve và say sưa chiêm ngưỡng những tàng phượng vĩ đỏ cháy như lửa từ một góc sân trường nào đó, lòng ta lại gợi lên bao cảm xúc xốn xang.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI