Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mùa điều chín

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tháng tư trở mình với cái nắng oi nồng xen lẫn những cơn giông đầu mùa bất chợt. Gió mang hơi ngọt quánh dịu từng cơn đượm mùi quả điều chín.
Tuổi thơ trên mảnh đất đỏ bazan của đám trẻ chúng tôi gắn liền với tháng tư khi đến mùa điều. Thuở bé, tôi từng hỏi mẹ: “Sao lại gọi quả điều là đào lộn hột hả mẹ?”. Mẹ bảo vì nó vốn là quả đào nhưng có cái hột mọc ngược phía dưới quả nên người ta gọi tên như vậy. Đó là cái lý lẽ của người lớn, tôi thầm nghĩ vậy. Mỗi lần đứng dưới tán cây nhìn mấy quả điều treo lúc lỉu trong gió, tôi hay tưởng tượng ra một trái tim căng phồng và cái hạt lẽo đẽo chính là sự sống bám trụ vào trái tim quyết không chia lìa.
Ngày ấy, một buổi đi học thì buổi còn lại đám trẻ trong xóm chúng tôi lại hẹn nhau ra vườn điều. Học đòi theo phim Tây Du Ký, chúng tôi cũng tự đặt cho khu vườn cái tên là “hội bàn đào”. Ngày nào cũng thế, đều đặn chúng tôi vào cái lều nhỏ ngay mé vườn đào để nhận rổ, lượm quả cho chủ vườn để được ăn quả và nộp lại hạt. Hồi ấy còn bé, chúng tôi cũng không hiểu người ta lại lấy hạt điều để làm gì. Chỉ biết rằng mỗi lần được vào khu vườn, cả đám thích thú túa ra như bầy ong vỡ tổ tranh nhau nhặt những quả rụng.
Vườn điều được một người tên Sáng quản lý nhưng chú lại không phải chủ vườn. Chú Sáng là bộ đội xuất ngũ. Trong mắt chúng tôi, đó là một người đàn ông có tính cách hơi dị biệt và nghiêm nghị. Cuộc đời rất tréo ngoe với chú bởi tên Sáng nhưng mắt chú lại rất kém. Chú không thể nhìn xa, mỗi lần chúng tôi vào nhận rổ nhặt điều thì chú phải nheo mắt thật lâu để nhận diện từng đứa.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vườn điều là cả khu vườn cổ tích với chúng tôi. Nó đều thẳng tăm tắp, mát lành và dịu ngọt đến lạ. Từng quả điều chín mọng rơi xuống đất nhưng vẫn nguyên vẹn, có thể nhờ lớp đất bazan mềm mại hoặc nhờ chính tấm đệm lá cây. Quả chín ươm ướp nước đỏ rực, có vị ngọt thanh lại có vị chát nhẹ, chua chua xen lẫn như trái cây đã lên men. Tất cả hòa quyện thành mùi hương rất khó tả. Khi ăn những miếng đầu tiên lúc nào cũng cảm thấy vị ngọt thanh như được uống ly nước chanh giữa trời nắng, nhưng càng ăn lại càng thấy vị chan chát, gắt gắt trong họng. Buổi đầu tiên vì bị hấp dẫn bởi mùi thơm lạ lùng của quả điều, lượm đến đâu chúng tôi ăn lấy ăn để đến đó, tới mức đứa nào đứa nấy rộp phồng cả lưỡi, có đứa hôm sau đi học còn bị mất tiếng. Những lần sau đó chúng tôi nộp lại hạt cho chú Sáng, còn quả thì đem về làm quà cho mấy đứa nhỏ ở nhà.
Quanh quẩn với vườn điều, nhặt rồi rượt đuổi, đùa giỡn cùng nhau mãi cũng chán. Đám trẻ bàn nhau sẽ không nộp hết số hạt điều mà đem giấu một ít để đem ra mé vườn nướng ăn. Thú thật lúc ấy tôi háo hức lắm nhưng lại sợ không dám làm. Tôi và thằng bạn thân không muốn lừa chú Sáng nên cứ nấn ná ở vườn chứ không theo lũ bạn. Đến khi trời đổ mưa, chúng tôi chạy nhanh vào cái lều của chú Sáng trú tạm. Mặt hai đứa buồn thiu vì nghĩ đám kia có lẽ đã nướng xong hạt điều ăn rồi. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, chú bảo: “Hai đứa đem hạt lại bếp than vùi vào đấy, ăn xong đợi tạnh mưa rồi về”. Lúc ấy chúng tôi như vỡ òa vì sung sướng. Sau khi được vùi vào than, mủ của hạt chảy ra cháy xèo xèo phực lửa, bốc lên mùi hăng hắc, khen khét. Hạt chín, chú Sáng lấy cái búa đập vỡ và chúng tôi cứ thế nhặt nhân mà ăn. Mùi thơm của hạt điều ngon như đậu phộng rang, cái vị béo bùi và ngọt hậu quả thật đáng nhớ. Mùi vị ấy với mùi khói mờ ảo của tuổi thơ cứ xen lẫn, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ! 
Vườn điều xưa giờ đang được máy múc lên để quy hoạch bến xe mới của phố huyện. Lòng tôi bỗng dậy lên một cảm giác buồn đến lạ. Những quả điều chín đỏ mọng đung đưa trong gió và hương thơm của chúng cứ thoang thoảng, vấn vít lấy nỗi nhớ khiến khóe mắt tôi cay cay.
TRÚC PHÙNG

Có thể bạn quan tâm