Kinh tế

Nông nghiệp

Mùa dưa "đắng" ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi thị trường Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh nCoV thì 1.000 ha dưa hấu ở huyện Ia Pa, Krông Pa (Gia Lai) đến kỳ thu hoạch nhưng không ai mua phải bỏ lăn bỏ lóc trên ruộng. Hàng trăm nông dân khóc ròng vì vụ dưa mất trắng.
Dưa bỏ lăn lóc trên ruộng
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các hộ trồng dưa hấu trên cánh đồng buôn Jứ (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) buồn như thắt ruột vì dưa tới kỳ thu hoạch mà không có thương lái hỏi mua. Hai bên con đường dẫn vào cánh đồng, nhiều đám ruộng dưa thân đã chết khô. Nhiều trái dưa hấu phải đến 5-6 kg nằm lăn lóc phơi nắng trên ruộng chờ ngày thối rữa vì chủ dưa đã bỏ ruộng về quê. “Tôi ngồi chờ mãi mà không ai vào hỏi mua. Ở thêm ngày nào nhìn ruộng dưa càng thêm xót ruột. Mấy người kia bỏ về quê hết rồi”-ông Lê Văn Lâu cho hay.
 Dù giá rẻ nhưng nhiều nông dân vẫn cố thu hoạch dưa để vớt vát chi phí đầu tư. Ảnh: NGUYỄN TÚ
Dù giá rẻ nhưng nhiều nông dân vẫn cố thu hoạch dưa để vớt vát chi phí đầu tư. Ảnh: NGUYỄN TÚ
Vụ dưa năm nay, ông Lâu cùng với 8 hộ trong dòng họ từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) lên xã Ia Broăi thuê đất trồng dưa, mỗi hộ 2 ha, giá thuê đất 25 triệu đồng trong vòng 3 tháng. Ông Lâu chua xót nói: “Mỗi héc ta dưa hấu, chúng tôi đầu tư hết 160 triệu đồng tiền giống, phân bón, công chăm sóc. Vậy mà giờ đây, dưa không bán được. Ráng chờ thêm 2-3 ngày nữa nếu tình hình không sáng sủa, tôi cũng đành bỏ ruộng mà về thôi”.
Các hộ trồng dưa hấu cho hay, năm nay trời nắng, dưa phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 40-45 tấn/ha. Nếu như các năm trước, vào vùng trồng dưa thời điểm này đã thấy cảnh mua bán tấp nập thì năm nay cảnh tượng đìu hiu, khắp vùng trồng dưa tuyệt không thấy bóng dáng chiếc xe tải nào. Bà Phạm Thị Nga (xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) thuê 2 ha đất trồng dưa ở cánh đồng buôn Jứ (xã Ia Broăi) đang cùng với 2 người làm rảo khắp ruộng để tìm đếm những gốc dưa hấu còn xanh, tính toán xem vớt vát được bao nhiêu tiền vốn. Hiện tại, hơn 2/3 ruộng dưa của bà Nga đã chết khô; hàng ngàn trái dưa nằm lăn lóc trên mặt ruộng dọc theo các luống. “Dưa tới kỳ thu hoạch mà thương lái không thấy đến mua. Gọi điện cho chủ hàng, họ nói bên Trung Quốc đang bị dịch cúm corona nên không chở dưa sang đó bán được. Tôi trồng dưa hơn 20 năm nay rồi nhưng chưa khi nào gặp tình cảnh như năm nay. Dưa đến kỳ thu hoạch mà bán không ai mua, cho cũng không ai thèm lấy”-bà Nga buồn bã nói.
Người trồng dưa bế tắc
Theo thống kê sơ bộ, vụ Đông Xuân 2019-2020, chỉ riêng huyện Ia Pa và Krông Pa đã trồng hơn 1.000 ha dưa hấu; trong đó, huyện Ia Pa 416 ha, huyện Krông Pa 608 ha (riêng thị xã Ayun Pa chưa có số liệu thống kê). Hầu hết diện tích dưa là của nông dân ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định lên thuê đất trồng. 
Bà Phạm Thị Nga (bìa phải) cùng người làm kiểm tra ruộng dưa đang khô dần mà không có người mua. Ảnh: Đ.P
Bà Phạm Thị Nga (bìa phải) cùng người làm kiểm tra ruộng dưa đang khô dần mà không có người mua. Ảnh: Đ.P
Ông Bùi Văn Ngọc-Chủ tịch UBND xã Ia Broăi-cho hay: Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn xã có 72 ha dưa hấu do người dân tỉnh Bình Định lên thuê đất trồng. Trong đó, khoảng 20 ha đã cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán là bán được với giá trên 5.000 đồng/kg, nông dân có lời. Hiện còn hơn 50 ha có khả năng mất trắng vì thương lái không mua. “Qua khảo sát ngoài cánh đồng đã có nhiều hộ bỏ mặc ruộng dưa đến kỳ thu hoạch nhưng không bán để về quê. Một số hộ còn ở lại chờ các tiểu thương từ Ayun Pa sang mua để vớt vát tiền đầu tư, nhưng giá chỉ 500 đồng/kg mà họ mua không nhiều. Vụ dưa này, riêng cánh đồng xã Ia Broăi thiệt hại gần 10 tỷ đồng”-Chủ tịch UBND xã Ia Broăi cho biết.
Năm nay, đa số ruộng dưa tại huyện Krông Pa đều xuống giống muộn. Vì vậy, hầu hết diện tích dưa khoảng 1 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch. Thời điểm này các năm trước, thương lái đã tìm đến các ruộng dưa để ký hợp đồng đặt cọc mua dưa, nhưng năm nay thì hầu như vắng bóng. Các chủ ruộng dưa hiện đang thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Văn Trí (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) thuê 2 ha đất ở xã Ia Rsươm để trồng dưa, hiện đã gần đến kỳ thu hoạch. Ông lo lắng nói: “Dưa năm nay tốt, áng chừng năng suất đạt 50-60 tấn/ha. Chờ mãi không thấy ai đến dạm mua, tôi gọi điện khắp nơi cho các mối quen biết cũ nhưng họ đều nói không xuất sang Trung Quốc được nên không mua”.
Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, hầu hết chủ dưa là ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định lên thuê đất trồng. Người dân địa phương cho thuê đất với giá 20-25 triệu đồng/ha và đã nhận tiền từ trước. “Dưa hấu chủ yếu bán cho thương lái chở đi Trung Quốc. Vì thế, khi thị trường Trung Quốc bế tắc thì người trồng dưa điêu đứng”-ông Duyên nói.
Hiện nay, giá dưa hấu tại thị trường vùng Đông Nam tỉnh đang giảm sâu nhưng vẫn ế ẩm. Dọc các con đường ở thị xã Ayun Pa, dưa hấu chất đống mà không thấy người mua. “Hôm 30 Tết, dưa bán 1.000 đồng/kg. Cả bao tải dưa bán có 50.000 đồng, rẻ như cho. Sau Tết rồi giá vẫn vậy, mà có mấy người hỏi mua đâu”-bà Nguyễn Thị Hải-người bán dưa lâu năm ở đường Trần Hưng Đạo (thị xã Ayun Pa) ngán ngẩm.
Hàng ngàn héc ta dưa hấu đang vào độ chín mà chưa có người mua, tương ứng với khoảng 40.000 tấn dưa có khả năng bị thối rữa. Tính tổng chi phí đầu tư khoảng 180 triệu đồng/ha dưa hấu, như vậy có khả năng hàng trăm tỷ đồng của nông dân bị mất đi khi dưa không bán được. Nhiều nông dân đang gồng mình bơm tưới cho ruộng dưa để ngóng chờ có người hỏi mua hòng vớt vát chi phí đầu tư. “Bỏ ruộng dưa về quê thì xót của, mà cố câu kéo thì mỗi ngày bơm tưới mất gần 200.000 đồng tiền dầu”-anh Văn Tấn Đạt (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) rầu rĩ cho hay.
 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm