Mùa nấm mối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau nhiều ngày mưa dầm, nắng trở lại. Rồi chợt nắng chợt mưa, có khi mưa trong nắng, sợi mưa óng ánh rất đẹp. Rồi sau đó là mưa nấm! Quê tôi gọi là mưa nấm bởi lúc đó nấm mối bắt đầu mọc. Người trong làng lục tục vào mùa kiếm nấm.
Nấm mối là lộc trời nên không phải dễ thấy, nên mới có chuyện hạp (hợp) hay không hạp. Hạp lúc đi: Người thì tờ mờ sáng đã gặp nấm, người thì mặt trời lên bằng con sào, trưa tròn bóng hoặc chạng vạng mới thấy. Lại còn hạp nơi nấm mọc nữa. Cũng một chỗ đó, người này vừa đi qua không thấy, người kia đi sau một lát lại nhổ được nhiều. Gặp nhau, người trước thấy người sau bưng đầy một nón nấm, nhìn mà vừa bực vừa nhỏ nước dãi. Nghe nói là do nặng vía nhẹ vía gì đó.
Người dân đi nhổ nấm mối. Ảnh: internet
Người vào rừng xa kiếm nấm phải mang theo áo tơi, nón cời và cái rựa. Rựa là để phát gai góc cho dễ nhổ. Nón cời dùng đựng nấm, nếu có dơ, bị gai cào rách thêm cũng không tiếc. Còn áo tơi không chỉ để mặc mà quan trọng là che mưa cho nấm. Gặp đám nấm lúc trời mưa to, nhổ không kịp là phải che cho nấm không bị rụng tai, mau tàn hoặc thấm nước sẽ bị dở đi. Khi nhổ phải cẩn thận, nhẹ nhàng, không dùng cuốc xẻng để đào mà dùng que cây để cạy gốc nấm. Xong chỗ nào nhớ đánh dấu kín đáo chỗ đó để mùa sau còn hưởng nữa.
Người đi nhổ nấm kỵ nhất là rủ nhau. Thật ra cực chẳng đã mới rủ một vài người thân thiết, vì vào rừng lúc mờ sáng hoặc chạng vạng cũng sợ. Nhưng cứ y như rằng hôm nào đi chung là công cốc. Không rủ nhau đông cũng tại vì nấm kỵ ồn ào. Đi nhổ nấm cứ lẳng lặng mà đi, không được cười nói rôm rả. Vì nghe tiếng nhiều người, nấm sắp mọc sẽ nằm im dưới đất, nấm nhú lên rồi sẽ tàn mất. Nấm là lộc trời nên khó tính.
Có người ham đến mức khi thấy nấm là chẳng thấy gì nữa. Quẳng rựa quẳng nón xáp tới như bị nấm ám. Nấm mọc trong lùm tre hay giữa đám gai cắt cu vẫn chui vào như không. Nhưng lúc nhổ xong ra không được vì xung quanh đều gai nhọn. Không dao không rựa làm sao phát trổ mà chui ra. Bí quá phải kêu làng. Ai đi ngang qua nghe có tiếng người trong bụi rậm lúc đầu sợ hết hồn, sau đó mới lấy rựa dọn cho cái lỗ chui ra. Được ít nấm nhưng mặt mũi tay chân trầy trụa xóc xước đủ chỗ. Thế mới biết lộc trời cũng không phải dễ ăn.
Cũng có người hám quá nên cả mùa nấm mối không nhổ được tai nào! Vậy nên ông bà bảo: Người hạp thì ít hám, người hám thì không hạp! Lộc trời cho ai thì người ấy hưởng, có muốn cũng không được.
 PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm