Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mùa rập cu xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Croooc... crooc... cô cô.. croooc... crộc… Đó là tiếng gọi bầy của loài cu xanh-loài chim thuộc họ bồ câu chuyên ăn các loại trái cây rừng. Chúng sống từng đàn vài trăm con, cứ chạng vạng hoặc lúc bình minh vừa ưng ửng nền trời thì lại rủ nhau đến những bãi sỏi để kiếm ăn. Khi ấy, mùa rập cu xanh bắt đầu...
Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, trong những chuyến công tác về làng vùng xa ở xã Yang Trung (huyện Kông Chro), những ngày nghỉ, tôi thích nhất là đi rập chim cùng anh Đinh Bôi-một người dân làng Tơ Nang. Dụng cụ rập chim đơn giản là 2 tấm lưới đan thưa bằng nhợ dây gai nhuộm nâu, rộng khoảng vài chục mét vuông, kẹp hai bên là thanh gỗ le căng lưới và hai sợi dây nối vào biên rập để kéo cho 2 mảnh lưới úp lại.
Ảnh internet
Ảnh internet
Tờ mờ sáng, trời chưa tỏ mặt người, chúng tôi đã có mặt nơi sân chim khu vực làng Tơ Nang. Cách bìa rừng không xa có một vùng đất trũng trơ sỏi nằm bên con suối cạn, rộng chừng vài trăm mét vuông, chính giữa có một vũng nước đọng. Chúng tôi căng lưới trên sân chim gần vũng nước. Chính giữa là con chim mồi cột chân đứng trên một cành cây khoảng giữa sân. Chúng tôi lặng lẽ ngồi chờ đợi trong đám lá ủ.
Anh Bôi thì thầm kể: Vùng này, hạt sỏi có màu trắng, nhỏ đều nhau, chim cu xanh (tiếng Bahnar gọi là Cơmoar) thích ăn bởi có chất muối; những hạt sỏi cũng giúp chúng dễ dàng nghiền nát thức ăn trong dạ dày. Khoảng đầu tháng 10 đến tháng 6 năm sau, hàng ngày, chúng thường tập trung về đây vào chiều tối hay sáng sớm.
Tôi lấy một hạt sỏi lên nếm thử, thấy đúng là có vị mặn. Nền trời ửng sáng dần, thi thoảng có một vài con chim đi ăn sớm đảo qua rồi bay vút vào cánh rừng. Mặt trời vừa xòe cánh quạt màu hồng qua rặng núi, con cu xanh đầu đàn về đậu trên cành cây cao nhất cạnh sân chim, có lẽ nó đang thám thính trước. Tiếng hót cất lên croooc... crooc... cô cô... croooc... crộc… chừng mươi lần, anh Bôi bèn giật dây cho con mồi chớp cánh. Trên nền trời, đàn cu xanh quần đảo, tiếng kêu bắt đầu inh ỏi cả khu rừng. Anh Bôi bấm vào tay tôi bảo: “Cơmoar đến rồi đấy!”. Tôi vén cành lá ủ nhìn ra ngoài, thấy bầy chim lượn qua vài lần rồi từ từ đáp xuống, cả trăm con đập cánh rần rật. Chúng tha hồ dạo trên bãi sỏi mổ ăn; con thì lao xuống bờ nước cúi đầu uống, con khác lại gục gục đầu, lông cổ xù lên, có lẽ đang gù bạn tình. Trên cành cây nơi bìa rừng, tiếng gù của những chú cu cườm, cu ngói cũng cất lên, sau đó chúng hối hả đậu xuống tranh phần. Riêng chú gầm ghì có thân hình to như gà mái ghẹ sà xuống đập đôi cánh màu nâu phành phạch như ra oai, giành chỗ. Nó đi tới đâu, các chú cu xanh né ra tới đó.
Anh Bôi chỉ tay vào một con cu xanh nói: “Con chim có sắc màu xanh xám toàn thân, đôi mắt tròn long lanh, đầu đôi cánh có đốm trắng là mái. Những con trống thì thân hình to hơn và đẹp hơn, với lưng cánh có điểm màu nâu hồng, khoanh cổ màu cam, đỏ loang ra tới ngực. Riêng đôi chân cũng khác với chim mái do có màu hồng tươi hơn”. Khi tôi đang say sưa ngắm sự vui nhộn của bầy chim, anh Bôi bảo tôi nắm vào sợi dây cùng anh kéo rập. Thấy 2 cánh rập dựng lên, gầm ghì, cu ngói và một số cu xanh giật mình cất cánh bay thoát. Có đến phân nửa chim cu xanh bị nhốt lại trong lưới lúc 2 cánh rập sập xuống. Anh Bôi cột dây rập cẩn thận vào cọc đóng sẵn và lao ra, tôi cũng chạy theo anh. Bầy chim mắc lưới đập cánh phành phạch. Anh tuần tự lòn tay qua lưới bắt từng chú cu xanh. Cứ mỗi con anh bắt ra lại nhìn, bóp ngắm thật kỹ mới bỏ vào lồng. Có những con anh lại tung lên trời cho bay đi. Tôi thấy lạ hỏi vì sao, anh liền trả lời: “Thấy nó gầy hơn các con khác, chắc là chim bố mẹ đang ấp trứng. Mình thả cho nó về nuôi con, mai mốt mới có chim mà bắt nữa”.
Tổng cộng có khoảng vài chục con bị nhốt vào lồng. Về đến nhà, trước khi mang ra làm thịt, anh còn chọn và thả đi một số nữa với lý do: “Nhiều quá ăn không hết, nhốt để dành nó không chịu ăn gì sẽ chết tội nó. Để nó về rừng sống, sau này muốn ăn lại đi bắt nữa, mất đi đâu”.
Gần đây, khi tôi có dịp trở lại thì vùng sân chim ngày xưa đã biến thành cánh đồng mía bạt ngàn. Đứng giữa khung cảnh mới mà tôi cứ nhớ hoài chuyện cũ, lòng cứ ngẫm nghĩ mãi về triết lý sống chan hòa của người Tây Nguyên ngày ấy: Không bao giờ tận diệt mà luôn luôn gìn giữ mọi thứ như của cải nhà mình.                                                 
AN SINH

Có thể bạn quan tâm