Phóng sự - Ký sự

Mùa sâm đương quy ở Ngọc Lây

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những cơn mưa đầu mùa đổ xuống như hối thúc cư dân Xơ Đăng xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) nhanh tay hơn cho vụ trồng sâm đương quy giống mới.

Không như cây sâm Ngọc Linh - trồng giấu giữa rừng sâu, cây sâm đương quy được trồng giăng giăng khắp vườn nhà, nương rẫy và cả trên chân ruộng khắp các nóc làng xã Ngọc Lây - nơi cây sâm Ngọc Linh được phát hiện hồi năm 1973.

Những mùa đầu hứa hẹn

Mới mờ sáng, A Thuấn (thôn Đak King 1) đã mở vòi tưới cho hai luống đương quy trồng trong khoảnh đất thừa ở khu nội trú của cán bộ xã Ngọc Lây. “Mình tranh thủ tưới để còn đi dạy sớm. Trời mới mưa nhưng cần tưới 
sơ qua để cây nhanh phát triển” - A Thuấn nói.

 

Một góc núi rừng Ngọc Lây, nơi bà con trồng cây sâm đương quy.
Một góc núi rừng Ngọc Lây, nơi bà con trồng cây sâm đương quy.

A Thuấn là thầy giáo, là một trong số ít những người có thu nhập từ củ đương quy giống mới sớm nhất ở Ngọc Lây.

Trước đây vùng này có cây đương quy nhưng củ nhỏ, năng suất thấp, không có giá. Năm 2016, Viện Dược liệu Hà Nội cấp cho 1.500 cây đương quy con giống mới. Cây hợp thổ nhưỡng nên phát triển mau.

Lẽ ra phải trồng 18-24 tháng mới thu hoạch nhưng A Thuấn mới trồng 9 tháng đã có người đến mua vì củ đã lớn. Đợt đó A Thuấn bán được 300kg, mỗi ký 70.000 đồng. “Cũng nhờ đất Ngọc Lây chịu đương quy, còn mình thì chịu khó chăm sóc nó” - A Thuấn nói.

Cũng bán non - tức không đợi cây đương quy trồng được hai năm mới thu hoạch, anh A Biên (thôn Đăk King 2) đã thu được 2 tạ củ đương quy tươi từ 1.000 cây một năm tuổi.

“Giống đương quy mới củ to, khoảng từ 2-5 củ được 1kg. Còn giống cũ phải 10 củ mới được 1kg. Mình muốn bán sớm để bà con thấy được kết quả từ cây đương quy mà cố gắng trồng để có thu nhập” - A Biên nói.

Đường nam Quảng Nam - tức quốc lộ 40B - được khai mở mấy năm nay đã xóa đi sự heo hút của Ngọc Lây - xã tận cùng của huyện Tu Mơ Rông ở hướng đông bắc, giáp với các xã Trà Nam, Trà Linh của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Những làng nóc lẩn khuất hai bên con đường lớn xuyên giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh cao ngút của hệ núi Ngọc Linh luôn với khói sương bàng bạc là nơi cư trú đặc trưng của người Xơ Đăng.

Trên đường 40B và cả trên đường liên thôn đều có những chốt giữ rừng, những làng nóc giữa nơi đại ngàn Trường Sơn trông bớt quạnh vắng. Thiếu đất trồng đương quy nhưng người Xơ Đăng không phá rừng, luôn biết giữ rừng.

 

A Thuấn (thôn Đăk King 1) bên luống đương quy trồng trước nhà. Thuấn nghĩ ra cách che nilông để ngăn nước bốc hơi, giảm tưới.
A Thuấn (thôn Đăk King 1) bên luống đương quy trồng trước nhà. Thuấn nghĩ ra cách che nilông để ngăn nước bốc hơi, giảm tưới.

Đương quy xanh khắp núi rừng

“Trồng nhiều để có thu nhiều!” - người ở Ngọc Lây nói thế bên những vùng sâm đương quy rộng lớn đã lên xanh.

Không khó để nhận ra sâm đương quy hiện là cây trồng nổi bật ở Ngọc Lây khi nhìn những sườn đồi, những lũng ruộng bậc thang, những vườn rẫy bên nóc làng đâu cũng màu xanh của loại dược liệu quý này.

Bên bờ suối Đăk Lây, chị Y Nheng - trưởng thôn Tu Bung - chỉ rẫy sâm, nói: “Rẫy đương quy này có khoảng 10.000 cây, được vợ chồng mình trồng hồi đầu tháng 12-2016. Mình tính để cho cây được hai năm mới bán. Cây đương quy nay mới lớn chừng này mà đã có người buôn đến thăm chừng rồi”.

Y Nheng cho biết thôn Tu Bung có 32 hộ thì hết 80% có trồng đương quy. Đầu năm 2018 là cả làng, cả xã sẽ vào vụ thu hoạch lớn.

Những sơn dân Xơ Đăng tài tình trong việc mò mẫm, tìm tòi kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh giữa Trường Sơn xa khuất này, nay lại sớm có kỹ năng trong việc trồng sâm đương quy.

Mở đầu là việc họ đã đưa đương quy trồng trên chân ruộng trồng lúa. Cây đương quy ưa đất ẩm nên trồng trên đất ruộng bậc thang sẽ hợp trong mùa nắng.

Những vùng ruộng bậc thang trồng đương quy ở Ngọc Lây đều được người trồng chọn ở gần khe/suối để có nguồn nước tưới vào những đợt nắng cường.

Xen canh đương quy vào rẫy cà phê cũng là cách làm mới của người Ngọc Lây. Trồng đương quy xen vào khoảng giữa hai luống cây cà phê để bóng cà phê che nắng cho đương quy.

 

Tự gầy cây giống

Chị Y Hình bên cây sâm đương quy 18 tháng, đã trổ bông cho hạt lấy giống.
Chị Y Hình bên cây sâm đương quy 18 tháng, đã trổ bông cho hạt lấy giống.
Cũng đáng nói về vụ đương quy 2017 này là phần đông bà con ở đây đã tự lo được cây giống. Chỉ trừ những hộ quá khó khăn chờ xã giúp cây giống, còn lại đều tự mua hạt về gieo.

“Cây đương quy con 1.500 đồng/cây. Nhà mình mới trồng được 2.500 cây, mua cây giống hết 2 triệu rưỡi thôi” - chị Y Lính (thôn Cô Sia 1) nói.

Nhưng để làm chủ hoàn toàn về cây đương quy giống, một số người đã giữ những cây đương quy tốt để lấy hạt.

“Nhà mình đang cho mấy cây đương quy lớn trổ bông để lấy hạt đây. Năm tới mình sẽ không cần lên TP Kon Tum để mua hạt đương quy nữa đâu” - chị Y Hình (thôn Đăk King 1) nói bên những cây đương quy nở bông trắng xóa trước sân nhà.

Thêm cái lợi nữa là chăm bón cho cà phê cũng là chăm bón cho đương quy. Y Nheng cho rằng cách làm này giúp tận dụng được đất từ rẫy cà phê bởi đất trồng trọt ở Ngọc Lây không nhiều, mà rừng thì không được phá.

Những vùng trồng lúa rẫy ít có độ dốc nằm bên nguồn nước sau thu hoạch lúa cũng được dành cho đương quy. “Rễ lúa, rạ lúa khi mục nát làm cho cây đương quy xanh tốt, đất tơi mềm ra làm to cái củ đương quy” - chị Y Nheng giải thích.

Chỉ vài tháng nữa - đầu năm 2018 - là người Xơ Đăng ở Ngọc Lây sẽ vào vụ thu hoạch cây đương quy. Với giá trung bình 70.000 đồng mỗi ký như hiện nay, ai ai cũng khấp khởi chờ một vụ bội thu, đang chờ coi đất, chờ cây đương quy trả công lao động cho mình.

Huỳnh Văn Mỹ/tuoitre

Có thể bạn quan tâm