Cũng trong dịp này, một số trường hợp vượt biên đã may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình. Trong vòng tay bao dung, che chở của cộng đồng, họ dần xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm gầy dựng lại cuộc sống.
1. Hơn 13 năm xa quê, đây là lần đầu 3 anh em gồm: Kpa Amlal (SN 1996), Kpa Sinh (SN 1999) và Kpa Vinh (SN 2002) được trở về thăm người thân tại làng Plei Tao, xã Ia Phang. Năm 2011, họ được bố mẹ bảo lãnh sang định cư ở TP. Vancouver, Canada. Cũng từ đó, nỗi nhớ buôn làng, dòng họ luôn day dứt, thường trực, hiện hữu trong lòng họ.
Sau nhiều năm chăm chỉ làm việc, tích góp, cuối tháng 12-2023, họ cũng có đủ số tiền cho hành trình trở về. Người vui nhất là anh Kpa Sinh. Thông qua mạng xã hội, anh Sinh đã tìm hiểu, kết duyên với một người cùng làng là chị Siu H’Nguy (SN 2001).
Anh Kpa Sinh (Việt kiều Canada) kết duyên cùng chị Siu H’Nguy (làng Plei Tao, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh). Ảnh: L.A |
Trong buổi gặp mặt mới đây, anh Sinh được cán bộ Công an xã Ia Phang tư vấn, giúp đỡ thủ tục pháp lý để sau Tết đưa vợ qua Canada định cư. Khi nghe kể về một số người dân tộc thiểu số bị kẻ xấu lừa phỉnh, dụ dỗ vượt biên, anh Sinh đã lên án những đối tượng lừa phỉnh bà con và kể về cuộc sống thực tế khi ở Canada. Anh Sinh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được trở về quê hương. Tôi rất vui khi được gặp lại người thân và nhìn thấy quê hương có nhiều thay đổi, tốt đẹp hơn. Công việc của tôi ở bên đó là làm thợ sơn, sửa nhà. Dù ở đâu thì cũng phải lao động để nuôi bản thân, không như lời người ta nói là qua bên đó được sung sướng mà không phải làm gì cả. Bà con hãy ở nhà chăm lo làm ăn, sống vui vẻ với người thân, buôn làng”.
2. Nếu những kiều bào luôn mong ngóng trở về quê hương thì cũng có những người nhẹ dạ, cả tin, nghe theo kẻ xấu, rời bỏ buôn làng tìm “miền đất hứa”. Để rồi khi phải nếm trải cuộc sống đắng cay, khổ nhục nơi xứ người, họ mới nhận ra giá trị của hạnh phúc. Hơn 2 tháng được hồi hương, em Siu H’Nhin (SN 2006, làng Mung, xã Ia Hla) vẫn còn ám ảnh bởi quãng thời gian sống chui lủi tại Thái Lan. Cuối tháng 3-2023, H’Nhin nghe lời kẻ xấu trên mạng xã hội, gom góp, vay mượn được 35 triệu đồng đưa cho người dẫn đường vượt biên. Sau khi đặt chân đến Thái Lan, hiện thực “thiên đường” trong H’Nhin đổ vỡ. H’Nhin cho hay: “Bên đó làm gì cũng phải mất tiền. Tiền ăn, tiền nước, tiền phòng trọ đắt đỏ. Em sống cùng 4 người khác, hàng ngày phải dậy sớm đi làm. Bị người Thái khinh thường nhưng mình phải lơ đi mà sống. Nghĩ lại, em thấy rất buồn vì lỡ tin rồi đi mà không biết hiện thực phũ phàng đến thế. Em mong mọi người không nghe theo lời người ta lừa phỉnh rồi trốn đi Thái Lan, Campuchia. Cuộc sống bên đó không như mình tưởng tượng và khác xa với những gì thấy trong phim ảnh”.
Vì không chịu được cuộc sống khổ cực và sợ bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ về hành vi nhập cư bất hợp pháp, cuối tháng 12-2023, H’Nhin đã nhờ người liên lạc qua mạng xã hội cho anh trai là Siu Yuch gửi 10 triệu đồng để tìm đường về. Với sự giúp đỡ của Công an và chính quyền, H’Nhin may mắn được đoàn tụ cùng người thân.
Ông Hoàng Văn Bình-Trưởng thôn Mung-cho biết: “Khi những người vượt biên trở về thì hệ thống chính trị thôn sẽ phối hợp với Công an xã tiến hành họp, bàn cách giúp đỡ. Trước tiên là động viên để họ bớt mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, sau nữa là tuyên truyền để họ hiểu, chấp hành tốt quy định pháp luật của Nhà nước. Lần đầu thì được Nhà nước khoan hồng nhưng nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Khi họp dân, chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con biết về các trang mạng xã hội chính thống, thông tin chính xác nên theo dõi, còn các trang mạng phản động, xuyên tạc, xấu độc, chống phá chính quyền, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc thì không nên truy cập, không nên xem vì không mang lại lợi ích cho mình”.
Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Chư Pưh có 4 trường hợp vượt biên được trở về quê hương. Với sự giúp đỡ của chính quyền và lực lượng Công an, nhiều người đã ổn định cuộc sống. Họ là kênh tuyên truyền thực tế, hiệu quả, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.