Kinh tế

Doanh nghiệp

Mức độ phát triển doanh nghiệp chưa cân đối với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 được tiến hành theo Quyết định số 1271/QĐ-TTg, ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả điều tra về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất và được nhập tin tổng hợp theo phương án. Tuy nhiên, thông qua cuộc điều tra, nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý doanh nghiệp được phát hiện, sự phát triển doanh nghiệp vẫn chưa thực sự cân xứng với tiềm năng vốn có của địa phương.

Có thể nói, tình hình kinh tế năm 2012 gặp khá nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất. Giá cả đầu vào một số mặt hàng tăng cao, lãi suất ngân hàng khó tiếp cận, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc trong giai đoạn chờ giải thể… Trong quá trình rà soát lập danh sách giữa các ngành quản lý có liên quan đến thời điểm  31-12-2011 toàn tỉnh có 3.053 doanh nghiệp.

 

Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các tổ chức cá nhân trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các tổ chức cá nhân trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Trong đó, có 2.476 doanh nghiệp đang hoạt động, 577 doanh nghiệp ở tình trạng ngưng sản xuất kinh doanh, đã đăng ký nhưng chưa hoạt động, ngừng hoạt động chờ giải thể, không tìm thấy không xác định được.

Trong thời gian 2 tháng các điều tra viên đã tiếp cận thu thập số liệu được 2.160 doanh nghiệp, trong đó 1.877 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 86,9%), doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động 136 doanh nghiệp (chiếm 6,29%), doanh nghiệp ngừng hoạt động 60 doanh nghiệp (chiếm 2,78%), doanh nghiệp chờ giải thể 87 doanh nghiệp (chiếm 4,03%).

Doanh nghiệp ngoài nhà nước có 2.114 doanh nghiệp chiếm 97,87% trong tổng số, doanh nghiệp nhà nước hiện nay chiếm tỷ trọng thấp (2,13%) trong cơ cấu ngành kinh tế, do một số ngành hoạt động không hiệu quả và không chủ đạo trong nền kinh tế nhà nước. Đã có chủ trương cổ phần hóa, xã hội hóa các thành phần và ngành kinh tế từng bước chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước nắm một số ngành kinh tế quan trọng, có sự chủ đạo trong nền kinh tế để định hướng nền kinh tế vĩ mô.  

Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, đường bộ có tuyến quốc lộ 19 nối với các tỉnh đồng bằng miền Trung và các tỉnh phía Đông Bắc Campuchia, quốc lộ 14 và đường Hồ Chí Minh nối các tỉnh phía Bắc và vào Nam, đường hàng không đến nay đã có tuyến bay thẳng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, với lợi thế đó nhưng qua kết quả điều tra cho thấy Gia Lai chưa thu hút được sự đầu tư đúng với nguồn tài nguyên có lợi thế về khoáng sản, nguồn nông-lâm sản trên địa bàn về chế biến, du lịch nhất là du lịch sinh thái. Bên cạnh đó cũng chưa phát huy được nguồn nội lực của quá trình thu hút đầu tư; qua kết quả điều tra chia theo ngành doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn chính là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, xe có động cơ với 899 doanh nghiệp chiếm 41,6% trong tổng số, doanh nghiệp ngành xây dựng có 417 doanh nghiệp chiếm 19,3%, các ngành chế biến, chế tạo do phải đầu tư với số vốn lớn nên số lượng doanh nghiệp có 253 chiếm 11,7%, tỷ lệ hoạt động thấp so với các ngành khác, các ngành hoạt động về du lịch vui chơi giải trí trên địa bàn còn thấp so với các ngành khác do lợi nhuận thấp thu hồi vốn lâu nên mức độ đầu tư chưa được quan tâm.

Nhìn chung mức độ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên của Gia Lai, các doanh nghiệp chỉ mới chú trọng vào các ngành kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông-lâm nghiệp và phân phối hàng hóa công nghiệp. Chưa đầu tư có chiều sâu, định hướng lâu dài để có những sản phẩm có thương hiệu riêng với chất lượng cao để có tính cạnh tranh ở thị trường trong nước và khu vực.

Anh Dũng

Có thể bạn quan tâm