Mức chiết khấu sách giáo khoa là khoảng 20-25%, sách bổ trợ, sách tham khảo có chiết khấu có thể lên tới 30-40%. Đó là khoản tiền “hoa hồng” không nhỏ đã biến nhiều trường học hăng hái trở thành một đại lý bán sách.
Nhiều phụ huynh không có lựa chọn, buộc phải mua sách giáo khoa do nhà trường bán. Ảnh Đ.H |
Năm học mới bắt đầu được hơn một tuần, nhưng câu chuyện về giá sách giáo khoa vẫn còn gây “choáng váng” với các bậc phụ huynh.
Có một sự thật đã được phản ánh, đó là tình trạng thiếu sách giáo khoa, đặc biệt là sách lớp 1, sách lớp 6. Thậm chí tại một số đại lý, “cò” sách giao khoa còn đưa ra mức giá cao gấp 3-4 lần cho một bộ sách, chưa bao gồm sách tham khảo, bổ trợ.
Nhà sách hiếm sách, vậy thì sách đi đâu?
Không khó để đưa ra các khảo sát để thấy một thực tế, các trường rất hăng hái bán sách gồm sách giáo khoa, sách bổ trợ, tham khảo. Còn phụ huynh thì chỉ còn biết rút ví để mua cho tiện, bởi có ra hiệu sách thì cũng không biết có chọn đúng sách trong danh mục của nhà trường hay không.
Trong tình cảnh này, nhà trường lại đóng vai một đại lý bán sách. Hiển nhiên, là có chiết khấu, hoa hồng.
Về chuyện này, tháng 10.2018, tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin: “Sách giáo khoa mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20-25%” và tỉ lệ triết khấu trên là thấp hơn mức trung bình vì "tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35-40%”.
Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh “có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục”.
2 năm sau, ai dám khẳng định hiện tượng này đã giảm?
Hôm qua, lại có chuyện lạ kỳ ở Bạc Liêu khi Sở Giáo dục Khoa học và Công nghệ tỉnh này đánh công văn đề nghị các trường “triển khai tới toàn thể giáo viên, học sinh” mua sách của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi cuốn sách giá 35.000 đồng và nếu tất cả học sinh khối 6,7,8,9 của Bạc Liêu đều “phải” mua 2 cuốn thì số tiền là bao nhiêu? Chiết khấu thế nào”?
Và đáng nói, theo như một giáo viên thì bộ sách này không theo quy định của chương trình giáo dục tin học của hệ thống giáo dục hiện nay và các học sinh cũng đã mua sách của NXB Giáo dục trước đó.
Lại là câu chuyện Sở ép trường, trường ép… học sinh và phụ huynh sẽ là đối tượng trả tiền mua sách.
Bộ GĐ-ĐT cũng mới ra văn bản khuyến cáo: “Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc”. Thế nhưng, vẫn có những dấu hỏi về trách nhiệm của bộ này khi để nhà trường “trồng hoa hồng” bằng việc tự biến mình trở thành đại lý kinh doanh sách giáo khoa, sách tham khảo, bổ trợ.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mui-hoa-hong-tu-sach-giao-khoa-sach-bo-tro-836337.ldo
Theo LINH ANH (LĐO)