Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Mùng 2 Tết: Nô nức du Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu như ngày đầu tiên của năm mới, mọi người hầu hết đều dành thời gian để đi chùa, chúc Tết người thân thì bước sang mùng 2, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã khởi hành chuyến du Xuân đến những nơi xa hơn. Các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại… cũng bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại.
Đầu năm họp chợ lấy may
Từ sáng sớm mùng 2 Tết, những tiểu thương đã có mặt tại các khu chợ lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai để sửa soạn, bày biện hàng hóa chuẩn bị buôn bán trong phiên chợ khai Xuân. Các mặt hàng chủ yếu là rau xanh, thịt heo, cá lóc, hải sản… Đặc biệt, muối và cau trầu cũng được nhiều người mua mang về nhà khi đi chợ đầu năm với mong muốn cả năm mọi thứ đều mặn mà, tốt đẹp và lộc phát. Như đã thành thói quen, mùng 2 Tết năm nào bà Thanh (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cũng mang cau trầu ra chợ trung tâm huyện để bán. Những quả cau to tròn bóng bẩy cùng xấp lá trầu xanh được bà xếp cẩn thận trong chiếc khay nhựa và bịch ni lông lớn cho khỏi dập, rách. “Tôi chọn mua cau trầu từ trước, để dành hôm nay bán cho mọi người lấy lộc đầu năm với giá 7.000 đồng/quả cau kèm vôi và trầu. So với năm ngoái, năm nay tăng hơn 2.000 đồng/quả cau. Ở chợ này chỉ mình tôi chuyên bán món này, đã gần chục năm rồi nên ai cũng biết đến tìm mua”-bà Thanh vui vẻ nói.
Trầu cau của bà Thanh được mọi người chọn mua cầu mong một năm lộc phát, may mắn cho gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Trong phiên chợ đầu tiên của năm mới, việc mua bán chỉ đơn giản là “bán lấy may, mua lấy lộc”. Không khí tại buổi chợ vì thế khá ấm áp và vui tươi, không có sự kỳ kèo, mặc dù giá cả có cao hơn ngày thường đôi chút. Bà Đinh Thị Vươi (làng Nghe Lớn, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Lâu rồi người Bahnar mình cũng ăn Tết như người Kinh, vui lắm. Hôm nay mình cùng với một số người trong làng đi chợ cầu may đầu năm, mua ít đậu ve, rau sống, thịt cá về nấu cơm để bà con, anh em họp mặt và uống rượu cần mừng năm mới”.
Nhiều khu chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hoạt động trở lại trong ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều năm trở lại đây, người dân đã không còn thói quen mua thực phẩm trữ dùng trong mùa Tết như trước nữa. Vì thế, ngoài đi chợ mùng 2 Tết để cầu may, các bà, các chị còn nhằm mục đích chọn mua thực phẩm tươi ngon để phục vụ cho gia đình hay cúng dâng tổ tiên trong 3 ngày Tết. Chị Phạm Thị Thanh Tâm (phường Hội Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho hay: “Vì nhà cũng khá gần chợ nên thay vì mua thực phẩm về trữ đông, mùng 2 Tết năm nào tôi cũng ra đây thật sớm để chọn mua những bó rau xanh hay miếng thịt, con cá tươi về nấu mâm cơm sum họp gia đình. Việc này vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe, vừa để cảm nhận không khí vui vẻ, ấm áp tình cảm khi đi chợ đầu Xuân”.
Ngoài chợ nhóm họp, theo quan sát của P.V, các cửa tiệm kinh doanh mặt hàng ăn uống cũng mở bán lấy ngày để phục vụ cho khách du Xuân trong những ngày Tết còn lại.
Nô nức du Xuân
Tiết trời ngày mùng 2 Tết khá nắng nóng nhưng không vì thế mà ngăn cản mọi người đổ ra đường du Xuân và xin chữ, cầu may trong năm mới. Những cặp vợ chồng xa quê cũng chọn ngày hôm nay để về nhà chúc Tết cho trọn vẹn tình thân. Trên khắp các ngã đường, dòng người hòa cùng cờ hoa tạo nên một bức tranh du Xuân nhộn nhịp.
Lượng người đổ về Công viên văn hóa Đồng Xanh du Xuân khá đông đúc. Ảnh: Nguyễn Tú
Một số địa điểm vui chơi, giải trí tại TP. Pleiku như: Khu du lịch sinh thái Biển Hồ, Công viên văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng…và các điểm vui chơi, giải trí ở các địa phương trong tỉnh thu hút đông đảo du khách thập phương đến du Xuân. Càng về trưa, du khách đổ về những địa điểm này càng nhiều hơn; xe máy, ô tô đậu kín các bãi giữ xe.
Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khi đến Công viên văn hoá Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku), du khách được thưởng ngoạn cảnh đẹp, xem biểu diễn xiếc, ca nhạc và chơi các trò chơi lô tô… Nơi đây cũng có một số gian hàng ẩm thực đặc trưng của Gia Lai phục vụ du khách. Giá vé vào cổng ở Công viên văn hoá Đồng Xanh từ 40.000-60.000 đồng/người. Anh Rơ Châm Minh (phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai) bày tỏ: “Mấy năm nay, năm nào đến Tết Nguyên đán là cả gia đình tôi lại đi chơi xuân. Giao thừa thì lên Quảng trường Đại Đoàn Kết xem bắn pháo hoa; 3 ngày Tết thì đi chơi ở các địa điểm du lịch ở quanh phố. Đây cũng là dịp để tôi thưởng cho con cái sau kết quả khả quan trong học kỳ I vừa qua, đồng thời động viên các cháu cố gắng học tập ở học kỳ II”. 
Công viên Diên Hồng cũng thu hút đông đảo du khách đến thăm quan. Ảnh: Hoành Sơn
Trái ngược với TP. Pleiku, dọc các tuyến đường trên địa bàn huyện Chư Prông khá vắng vẻ. Trời nắng nóng khiến nhiều người chọn cách thư giãn trong hàng quán. Chị Trần Thị Huyền, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông cho hay: “Chúng tôi đã dành ngày mùng 1 để chúc Tết ông bà. Từ sáng mùng 2, vợ chồng tôi dành thời gian đưa các con ra TP Pleiku tham quan các địa điểm du lịch như Biển Hồ, Hồ Diên Hồng, Quảng trường... Hi vọng các con có ngày Tết vui và bổ ích”.
Du khách đến thác Phú Cường tham quan dịp Tết. Ảnh: Ngọc Sang
Thủy điện Ia Ly (huyện Chư Pah) hay thác Phú Cường (huyện Chư Sê), thác Mơ (huyện Ia Grai), Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê)… cũng là những địa điểm thu hút khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. 
Với quang cảnh hùng vĩ, hệ thống công trình hiện đại, quy mô... đã để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng đẹp. Cầm trên tay tấm bản đồ hướng dẫn tham quan Nhà máy thủy điện Ia Ly, anh Lê Hữu Hà (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Trong dịp năm mới, gia đình tôi chọn Nhà máy Thuỷ điện Ia Ly là điểm du Xuân đầu tiên. Ngoài khung cảnh đẹp, không khí mát mẻ thì qua chuyến tham quan, tôi còn có thể bổ sung kiến thức bổ ích cho các con mình về công trình Thuỷ điện lớn nhất miền Trung này”.
Du khách tham quan Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Ngọc Thu
Tại thác Phú Cường, từng đoàn người tấp nập kéo đến du xuân. Anh Lê Văn Hoàng, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê chia sẻ rằng, dù là dân của huyện Chư Sê nhưng đây là lần thứ 2 gia đình anh đến thác nước này. “Chúng tôi thực sự choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Ngọn thác trông rất hùng vĩ xuyên qua khe núi, do chưa bị con người tác động nhiều nên vẫn giữ được vẻ hoang sơ tuyệt đẹp của nó, đó quả là điều đặc biệt. Mong sao khu du lịch này ngày càng được quan tâm và đầu tư hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu một trong những con thác đẹp nổi tiếng của tỉnh Gia Lai”-anh Hoàng kỳ vọng.
Còn chị Lê Thị Sương, làng Krui, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ chia sẻ: “Từ sáng sớm, tôi đưa hai con về nhà ngoại chúc Tết, trên đường về cho con vào Nhà sách-Siêu thị Đông Gia Lai tại thị xã An Khê chơi. Quanh năm bận việc đồng áng, hai vợ chồng không có thời gian tổ chức cho các con đi đâu, chỉ có mấy ngày Tết các cháu nghỉ học, tôi tranh thủ dành thời gian cho các con”.
Khu vui chơi giải trí ở thị xã An Khê luôn tất bật người ra vào. Ảnh: Ngọc Minh
Ngày thứ hai của Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trôi qua trong không khí vui tươi, nhẹ nhàng. Ngày mai, mùng 3 Tết, mọi người sẽ cùng nhau tiếp tục du Xuân và ắt hẳn không quên mâm cơm cúng đưa ông bà sau 3 ngày Tết về vui vầy cùng con cháu.
Nhóm P.V

Có thể bạn quan tâm