Bạn đọc

Mười năm với Báo Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tính đến nay, tôi đã có 10 năm cộng tác với Báo Gia Lai. Cơ duyên để tôi có bài báo đầu tiên từ sau sự kiện đêm cà phê tổ chức lần đầu ở Pleiku hồi tháng 4-2010 sau cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Gia Lai. Tôi viết gửi báo 1 bài về đề tài văn hóa nghệ thuật. Khá hồi hộp chờ được “sắp chữ”, cuối cùng, bài cũng được đăng, mang đến tôi một niềm vui không hề nhỏ.
Thực ra lúc ấy, tôi chẳng hề nghĩ viết lách sẽ trở thành một công việc tay trái hay tay phải của mình. Công việc có tính sáng tạo đòi hỏi cảm hứng ghê lắm mà tôi lại khá bất ổn trong chuyện đi tìm cảm hứng, cảm hứng có đến bất chợt cũng dễ để vuột đi ngay, chẳng thế mà xuân thu nhị kỳ mới gửi đôi bài về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Anh Đoàn Minh Phụng lúc bấy giờ là Tổng Biên tập nhắc tôi trong một lần cà phê sáng với nhau: “Ông viết tốt mà, tiếp tục nhé!”. Sau đó, mọi thứ đã khá hơn, nhưng tôi chắc mình vẫn chưa đủ chuẩn để trở thành một cộng tác viên tích cực dù vẫn được trân trọng mời tham dự tất cả hội nghị cộng tác viên, Tết nào cũng có một cuốn lịch rất đẹp ưu ái trao tận tay. Cái sự lai rai ấy kéo dài đến mấy năm với tần suất 1-2 tháng mới cố viết được 1 bài.
Ở Báo Gia Lai, sự sạch sẽ về nội dung, chỉn chu về kỹ thuật giữa tình trạng chung của đa phần báo chí bây giờ là khá cẩu thả vì mục đích thương mại và tìm lượt đọc (view) bất kể phải trái đôi khi làm người đọc phải “nhăn mặt nhíu mày”. Trên các trang của báo Gia Lai, soi cách mấy cũng khó tìm ra một lỗi chính tả đang phổ biến rất đáng ngại trên báo chí khắp nước, nhất là báo mạng.
Trong lần gặp mặt cộng tác viên năm ngoái, tôi đã “nịnh” Ban Biên tập về những điểm sáng nói trên. Trên báo Gia Lai cả bản giấy hay điện tử đều có tính “tải đạo” và góp phần lành mạnh hóa cách chọn và đọc của độc giả, chính điều này đã làm tôi thực sự có cảm tình và gắn bó với tờ báo này.
Ảnh minh họa: Internet
Một số ấn phẩm Xuân của Báo Gia Lai. Ảnh: Internet
Không chỉ tập trung vào mảng văn hóa nghệ thuật, Ban Biên tập đã gợi ý tôi mở rộng với “Gia Lai miền nhớ”, “Pleiku xưa và nay”... Việc đa dạng này giúp tôi có thể tăng lượng bài cộng tác. Sau khi nghỉ hưu, tôi tự thêm cho mình loạt bài về cuộc sống của những người cao tuổi, an yên mà vẫn tích cực với quãng đời còn lại với cộng đồng.
Cho phép tôi khoe một chút về chuyện bút danh, chả là tất cả bài viết đều được ghi tên khai sinh, có lần tôi đề nghị thay đổi, nhận được phản hồi: Cái tên ấy là để … “câu view” đấy! Điều này càng khiến tôi không cho phép mình cẩu thả trong thông tin nội dung và cách viết đối với từng câu chữ.
Được tòa soạn đặt bài cũng là chút tự hào cho một người viết nghiệp dư. Thừa thắng xông lên, một đề nghị của tôi về chuyên mục “Chuyện thường ngày” cũng được lưu tâm. Sự quan tâm và lắng nghe của đội ngũ nhà báo làm công tác tòa soạn giúp những cộng tác viên như tôi luôn cảm kích, từ đó tiếp thêm động lực để cộng tác với những khuôn bài tốt hơn. 
Với tôi, mối lương duyên 10 năm qua với Báo Gia Lai là khá thú vị. Nếu báo có hàng trăm cộng tác viên trên khắp miền đất nước thì tôi cứ chung thủy chỉ một và chỉ một địa chỉ email của Báo Gia Lai để gửi bài hàng tháng.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm