Năm 2019 sắp khép lại, nhiều tờ báo lớn như tạp chí Time hay báo The New York Times đã tổng kết 10 năm văn học nghệ thuật vừa qua. Hai bản danh sách "top 10" theo từng năm vừa được các tờ báo này công bố. Dĩ nhiên, một bảng xếp hàng dẫu đến từ tờ báo uy tín cách mấy cũng sẽ gây tranh cãi vì không thỏa mãn được sở thích của toàn bộ số đông.
Nhìn qua danh sách "10 tác phẩm hư cấu hay nhất thập kỷ" của Time có thể thấy một tập hợp đa dạng từ trinh thám (tiểu thuyết "Cô gái mất tích") đến văn học tuổi teen (tiểu thuyết "Những đốm lửa lưu lạc") hay kỳ ảo (tiểu thuyết "Chuỗi đời bất tận"). Ta cũng thấy những tiểu thuyết đồ sộ như "Americanah" của Chimamanda Ngozi Adichie và cả tập truyện ngắn "Ngày mười tháng mười hai" của George Saunders. Những nhà phê bình đã cố hết sức để chiều lòng những người hâm mộ khác nhau nhưng dĩ nhiên danh sách này vẫn được lập ra không phải bởi cái nhìn viễn kiến mà chỉ gói gọn trong những thứ chí ít đã được dịch sang tiếng Anh. Khó có thể từ đây phác họa diện mạo của nền văn học thế giới suốt 10 năm qua khi chỉ tập trung vào những tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ phổ biến này.
Không một tiểu thuyết nào đến từ châu Á hay châu Phi được xuất hiện trong danh sách kể trên. Thước đo của nó có lẽ chỉ dựa vào các danh sách bán chạy, độ phổ biến cũng như các giải thưởng trong cộng đồng Anh ngữ mà đáng tiếc đã bỏ qua nhiều kênh tuyển lựa khác.
Tuy nhiên, đây là thiểu số có tiếng nói, đã phần nào cho thấy được những băn khoăn của con người hiện đại trong thời gian vừa qua. Những chủ đề về nhập cư và sắc tộc phản ánh trong "Americanah" của Chimamanda Ngozi Adichie góp thêm tiếng nói cho một góc nhìn rộng hơn về một tình trạng ngày càng nhức nhối trong thế giới hiện đại. Cùng đề tài sắc tộc, trong danh sách này còn có "The Sellout" của Paul Beatty. Lấy bối cảnh Los Angeles - Mỹ, cuốn tiểu thuyết mổ xẻ vấn nạn kỳ thị chủng tộc diễn ra ở nơi được cho là cởi mở cũng như là trung tâm của văn minh thế giới.
Một trong 10 tiểu thuyết hay nhất 10 năm qua do tạp chí Time bình chọn được xuất bản tại Việt Nam |
Sự đổ vỡ những giá trị thiêng liêng cũng là vấn đề mà thế giới hiện đại đang đối mặt. Nếu tiểu thuyết "Những đốm lửa lưu lạc" là cuộc trốn chạy của hai mẹ con trước những đổ vỡ và bất hạnh của gia đình hiện đại thì "Cô gái mất tích" là sự hoài nghi về tình yêu, tình vợ chồng. Dù là tiểu thuyết trinh thám và đôi chỗ bi kịch bị phóng đại quá mức bởi một tâm hồn bệnh hoạn, "Cô gái mất tích" cũng đã nói lên được những vấn đề muôn thuở của hôn nhân, trên nền thời đại mới.
Điểm qua một vài tác phẩm trong danh sách trên, có thể thấy chúng đã phần nào đưa ra được vài nét phác thảo những vấn đề nổi cộm của thế giới, cũng như cái nhìn bi quan của những nhà văn hay những người lập danh sách trước những gì đã xảy ra trong suốt thập niên qua, đã được văn học phản ánh.
Một số tác phẩm trong danh sách "10 tác phẩm hư cấu hay nhất thập kỷ" của tạp chí Time đã xuất bản tại Việt Nam: "Ký ức đen" - Jennifer Egan (NXB Trẻ, 2016); "Cô gái mất tích" - Gillian Flynn (Alphabooks và NXB Lao động); "Chuỗi đời bất tận" - Kate Atkinson (Đinh Tị và NXB Lao động, 2018); "Ngày mười tháng mười hai" - George Saunders (Nhã Nam và NXB Văn học, 2016); "Những đốm lửa lưu lạc" - Celeste Ng (Phương Nam và NXB Phụ nữ, 2019).
Theo Huỳnh Trọng Khang (NLĐO)