Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Mười tám tỉnh có dịch lở mồm long móng ở gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước có 18 tỉnh có dịch lở mồm long móng. Mặc dù, ngày 22-2, không có tỉnh nào xuất hiện mới dịch lở mồm long móng nhưng tại các địa phương đang có dịch vẫn phát sinh thêm gia súc mắc bệnh là Đồng Nai, Tiền Giang và Quảng Ngãi.   

 
Tại Quảng Ngãi, từ 13-2 đến nay, dịch lở mồm long móng được phát hiện thêm tại 51 xã thuộc 11 huyện là Ba Tơ, Trà Bồng, Đức Phổ, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long, Tây Trà, Mộ Đức và Bình Sơn. Như vậy, từ ngày đầu năm 2011 đến nay, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại 57 xã thuộc 11 huyện của tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là trên 1.820 con, trong đó chết và tiêu hủy hơn 100 con.

Để ngăn chặn dịch, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã sử dụng nguồn vaccine gồm hơn 133.000 liều của năm 2010 chuyển sang để phân bổ cho các địa phương tiêm phòng, bao vây dịch; tổ chức tiêm phòng bao vây vòng ngoài từ vùng bị dịch bệnh uy hiếp. Đồng thời phun thuốc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc môi trường toàn bộ khu vực chăn nuôi, nơi xảy ra dịch và các vùng giáp ranh với ổ dịch.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ba Tơ cho biết, là huyện có số gia súc mắc bệnh lở mồm long móng nhiều nhất tỉnh, với gần 1.500 con gia súc mắc bệnh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang lại tiếp tục xuất hiện thêm 33 xã của 7 huyện có dịch lở mồm long móng trên gia súc. Tính chung từ đầu năm, 57 xã trong tỉnh có dịch lở mồm long móng, tổng số gia súc mắc bệnh trên 3 nghìn 280 con. Ông Lê Minh Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tiền Giang cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến dịch lở mồn long móng lan rộng, trong đó có ý thức của người dân và tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ.

Sau khi công bố dịch vào giữa tháng 2, tỉnh Tiền Giang thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và mở các đợt tiêu độc khử trùng, tiêm phòng tập trung; tiêm phòng bao vây các khu vực đã có dịch phát sinh. Tổ chức các chốt ngăn chặn mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đã nhiễm bệnh. Đồng thời, tỉnh Tiền Giang cũng có chính sách hỗ trợ theo quy định đối với những gia đình có gia súc mắc bệnh, bị tiêu huỷ, đảm bảo công bằng cho các hộ dân.
Theo VOV

Có thể bạn quan tâm