Phóng sự - Ký sự

Muôn kiểu phá rừng - Bài 1: Rừng bị rỗng ruột

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

LTS: Những trận lũ lụt, sạt lở đất kinh hoàng tại miền Trung vừa qua, một lần nữa cho thấy mức độ khốc liệt do biến đổi khí hậu gây ra đối với con người, mà một trong những nguyên nhân là do mất rừng.  


 

 Nhà kính mọc lên khắp nơi “gặm nhấm” đất rừng ở Lâm Đồng
Nhà kính mọc lên khắp nơi “gặm nhấm” đất rừng ở Lâm Đồng



Không chỉ phá rừng lấy gỗ, thời gian qua, rừng Tây Nguyên - Nam Trung bộ bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, giao rừng thực hiện các dự án tràn lan, hoặc nạn “săn” cổ thụ đưa về xuôi làm cây cảnh.

Nhìn từ bên ngoài, nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên vẫn bạt ngàn màu xanh, nhưng bên trong lớp vỏ ấy, “ruột” rừng đang từng ngày bị khoét rỗng. Thay vào đó là nương rẫy cà phê, hồ tiêu, rau màu và cả những vườn nhà kính trồng rau, hoa.

“Vỏ” rừng, “ruột” rẫy

Từ trung tâm xã Ea M’Doal, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đi khoảng 2km là đến rừng phòng hộ Núi Vọng Phu (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Nhìn bên ngoài là những cánh rừng xanh ngát, nhưng khi men theo đường mòn uốn quanh các triền đồi, đi sâu vào trong thì rừng đã bị phá nham nhở. Di chuyển đến tiểu khu 735, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Núi Vọng Phu, chúng tôi phát hiện điểm phá rừng nghiêm trọng. Các gốc cây bị cưa hạ, cành cây vẫn còn tươi nằm ngổn ngang, mùn cưa và dấu cắt vẫn còn mới cho thấy khu vực này vừa mới bị lâm tặc khai thác.

Một đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng 4 cho biết, khu vực bị khai thác trên thuộc lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 735. Đây là vụ phá rừng mới nhất mà Chi cục Kiểm lâm vùng 4 và Hạt Kiểm lâm Ban QLRPH Núi Vọng Phu vừa phát hiện vào ngày 1-10 vừa qua. “Tại hiện trường, chúng tôi đã phát hiện và thu giữ hơn 15m³ gỗ. Hạt Kiểm lâm Ban QLRPH Núi Vọng Phu và cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh đối tượng khai thác”, đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng 4 thông tin.


 

Rừng thông cổ thụ tại tiểu khu 132, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bị đốn hạ hàng loạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Rừng thông cổ thụ tại tiểu khu 132, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bị đốn hạ hàng loạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN


Xuôi theo quốc lộ 14 về tỉnh Đắk Nông, trước đây, dọc 2 bên đường từ huyện Đắk Song đến TP Gia Nghĩa là những rừng thông xanh ngát, bạt ngàn. Tuy nhiên, giờ đây những cánh rừng thông đã ngả màu vàng úa, cháy khô, loang lổ. Kiểm tra các gốc thông chết, chúng tôi phát hiện tất cả đều bị “bức tử” bằng cách khoan lỗ, đổ hóa chất, “ken” gốc. Theo quốc lộ 28 vòng về xã Đắk Ha và Quảng Sơn (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), chúng tôi cũng chứng kiến cảnh tượng tương tự. Rừng thông 2 bên quốc lộ đã rủ màu vàng úa. Những vạt thông còn sót lại cũng có nguy cơ bị “bức tử”.

Còn ở Lâm Đồng, nếu chỉ đi phía ngoài đường ở những vùng ngoại ô Đà Lạt, hay các huyện lân cận thì màu xanh của rừng thông vẫn còn hun hút. Những tưởng mảng màu xanh sẽ tầng tầng lớp lớp, nhưng thực tế thì khác xa. “Ruột” rừng nhiều nơi bị khoét rỗng, thay vào đó là những rẫy cà phê, rau màu và cả những nhà kính trồng rau, hoa.

Mới đây, lực lượng liên ngành TP Đà Lạt đã tiến hành giải tỏa hơn 3.600m² đất rừng bị người dân lấn chiếm tại lô B1, khoảnh 11, tiểu khu 149, lâm phần do Ban QLRPH Tà Nung quản lý. Được biết, khu vực này bị gia đình ông Trần Văn Sử (ngụ phường 7, TP Đà Lạt) lấn chiếm từ năm 2018, sau đó thuê người dọn rừng, trồng hoa cẩm tú cầu, dựng bờ rào thép gai hơn 3.600m². Mặc dù đầu năm 2020, ông này bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại nguyên trạng đất rừng ban đầu nhưng vẫn không chấp hành và thậm chí còn cho gia cố dây thép gai nhằm chiếm đoạt đất rừng. Bằng cách thức tương tự, nhiều khu vực quy hoạch đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ ở Đà Lạt bây giờ đã trở thành vườn rau, vườn hoa, đất sản xuất nông nghiệp, nhà kính giữa đất rừng khiến các đơn vị chủ rừng lúng túng trong quản lý.


 

 Nhà kính mọc lên khắp nơi “gặm nhấm” đất rừng ở Lâm Đồng
Nhà kính mọc lên khắp nơi “gặm nhấm” đất rừng ở Lâm Đồng


Cách Đà Lạt không xa, diện tích rừng do Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim quản lý tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cũng là điểm nóng về nạn lấn chiếm đất rừng làm vườn, rẫy vì khu vực này đất đai khá màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Vượt qua những dốc cao dựng đứng, trơn trượt, chúng tôi có mặt tại khoảnh 2, tiểu khu 118 (thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) và chứng kiến các tổ nhận khoán đang khẩn trương trồng lại rừng bị phá.


Một người trong nhóm trồng rừng cho biết, khu vực này vốn là rừng thông nguyên sinh, nhưng từ nhiều năm nay liên tục bị phá. Phải mất nhiều năm cánh rừng mới trở lại được như xưa. Băng qua khu vực đất trống vốn là rừng thông bị cưa hạ, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là hàng chục cây thông bị “ken” gốc lá khô rụng gần hết.

Những con số nhức nhối

Tại khu vực ngã 3 sân bay cũ (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), khác với bên ngoài rừng nhìn xanh tốt, đi sâu vào trong lõi là những rẫy cà phê, tiêu trải dài nhiều quả đồi. Có nhiều chỗ, cà phê, tiêu mọc sát nách vạt rừng. Bên trên rẫy còn trơ một số gốc cây.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, tại khu vực này có 229ha đất lâm nghiệp ở các tiểu khu 118, 119, thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai quản lý, bị lấn chiếm từ thời điểm 2011-2016. Trong thời gian đấy, do buông lỏng quản lý nên có một số diện tích bị lấn chiếm nhưng chủ rừng không kiểm tra phát hiện kịp thời. Cũng theo Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, đối với diện tích bị lấn chiếm, hướng xử lý của ngành chức năng là sẽ thu hồi, trồng lại rừng hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp.

Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, từ năm 2016 đến tháng 11-2019, đơn vị đã thanh tra 3 công ty lâm nghiệp, 1 khu bảo tồn thiên nhiên và 13 ban QLRPH, phát hiện diện tích đất lâm nghiệp bị mất và lấn chiếm là hơn 9.480ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là hơn 5.500ha, diện tích đất không có rừng là hơn 3.900ha. Đơn cử, Ban QLRPH Ia Meur, diện tích rừng để mất, bị lấn chiếm hơn 555ha (trong đó rừng tự nhiên là 545ha, rừng trồng 10,5ha). Ban QLRPH Bắc Biển Hồ có hơn 2.400ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong đó có 278ha rừng bị thiệt hại. Ngoài ra, còn phát hiện 8,49ha đất lâm nghiệp bị các cá nhân lạm dụng chức vụ quyền hạn lấn chiếm, sử dụng đất trái phép, trong đó có 5,6ha đất được UBND TP Pleiku cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật…

Trong khi đó, UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, diện tích rừng, đất lâm nghiệp do UBND các xã quản lý cũng bị lấn chiếm hàng trăm hécta để làm nương rẫy. Như tại xã Ia Vê, từ năm 2015 đến đầu năm 2020, diện tích đất lâm nghiệp có rừng bị giảm, lấn chiếm để làm nương rẫy là 186ha; để các hộ dân lấn chiếm 110ha đất lâm nghiệp không có rừng.

Xã Ia Me có 47,91ha đất lâm nghiệp có rừng bị lấn chiếm và để người dân lấn chiếm 176,69ha đất lâm nghiệp không có rừng để làm rẫy. Các xã khác như Ia Pia, Bình Giáo, Bàu Cạn, Thăng Hưng cũng để xảy ra tình trạng đất lâm nghiệp có rừng và đất không có rừng bị giảm, lấn chiếm với diện tích hơn 174ha. Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cũng là một trong những điểm nóng về tình trạng phá rừng làm rẫy với liên tiếp nhiều vụ phá rừng quy mô lớn trong năm 2018 và 2019.

 

Rừng thông ven quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông bị “ken” gốc chết khô. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Rừng thông ven quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông bị “ken” gốc chết khô. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN


Trở lại tỉnh Đắk Nông, Giám đốc Ban QLRPH Gia Nghĩa (huyện Đắk G’long) Vũ Văn Trọng cung cấp thông tin: Từ năm 2017, ban được giao quản lý, bảo vệ hơn 11.100ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng chỉ khoảng gần 3.000ha là có rừng; diện tích đất không có rừng đa số đã bị người dân xâm chiếm làm đất sản xuất từ nhiều năm trước. Hiện nay, có hàng trăm hộ dân di cư tự do đã sinh sống trong lõi rừng phòng hộ Gia Nghĩa, ngành chức năng vẫn chưa có phương án xử lý nên việc quản lý rừng còn lại gặp nhiều khó khăn.


Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Lưu Văn Trung cho rằng, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả trong việc quản lý, bảo vệ rừng. “Mục đích phá rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là lấy đất sản xuất, đất càng có giá trị thì việc lấn chiếm đất càng phức tạp. Ngoài ra, các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng rồi sang nhượng cho người khác nên rất khó xử lý”, ông Trung cho biết.

Còn tại Kon Tum, theo kết quả rà soát diện tích đất chồng lấn, lấn chiếm trong lâm phần các chủ rừng của Chi cục Kiểm lâm Kon Tum là hơn 4.900ha. Trong đó, diện tích lấn chiếm hơn 1.960ha. Chỉ riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Glei có 1.200ha lấn chiếm đang được người dân canh tác trồng cây.

>> Bài 2: Cổ thụ về xuôi, rừng chảy máu

 

Theo Bộ NN-PTNT, tổng diện tích rừng của các tỉnh Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu hécta, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước; trong đó, rừng tự nhiên chiếm gần 2,2 triệu hécta; rừng trồng 368.743ha. Khảo sát năm 2019 so với năm 2018, diện tích rừng trồng tăng hơn 18.000ha, tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên lại giảm gần 16.000ha. Trong đó, 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk 11.419ha; Đắk Nông 7.156ha; Gia Lai 494ha.


​Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm