Phóng sự - Ký sự

Muôn nẻo tình thầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi những ngày cuối của năm học 2022-2023 sắp kết thúc, hai câu chuyện ở hai vùng miền đất nước (Hà Giang, Kon Tum) đã khiến biết bao người rưng rưng và càng thêm khâm phục, chia sẻ những gian khó, hiểm nguy và cả tấm lòng, sự tận tâm, tận tụy, đức hy sinh của những người giáo viên nơi vùng khó.

Câu chuyện thứ nhất là cô giáo Mai Thị Yến, giáo viên Trường mầm non Đường Thượng, xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cùng chồng và con trở lại trường, gặp đoạn dốc trơn trượt, cả người và xe rơi xuống vực sâu, cô tử vong. Chồng cô cũng là giáo viên bị đa chấn thương, phải cắt bỏ một bên thận.

Cũng trong thời điểm đó, câu chuyện thứ hai ngay trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Đăk Hà, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông đã đăng bán hai con heo rừng lai (do thầy cô đóng góp mua con giống và chăm sóc suốt 10 tháng qua) để lấy tiền lo bữa cơm miễn phí cho 63 học sinh người dân tộc Xơ Đăng lớp 1 và 2 ở điểm trường thôn Ty Tu, cách điểm trường chính gần 4 km.

Thầy cô Trường Tiểu học Đăk Hà rao bán hai con heo để lấy tiền duy trì bữa cơm cho học sinh. Ảnh: N.P

Thầy cô Trường Tiểu học Đăk Hà rao bán hai con heo để lấy tiền duy trì bữa cơm cho học sinh. Ảnh: N.P

Hai câu chuyện ở hai vùng miền đất nước, những tưởng chẳng liên quan nhưng lại khiến cho bao người rưng rưng cảm động về nghề giáo, về tình nghĩa thầy trò. Còn nhiều, nhiều câu chuyện cảm động khác nữa của các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa đã được lan tỏa, chia sẻ qua các hội nghị tuyên dương của các cấp, các ngành, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều năm qua. Nhưng, chỉ trong khuôn khổ mươi phút của chương trình tuyên dương dành cho mỗi thầy, cô giáo, trong khuôn khổ giới hạn của một bài báo, làm sao có thể kể hết, có thể đúc kết hết muôn nỗi khó khăn, nhọc nhằn của người giáo viên vùng sâu, vùng xa quanh năm mây mù, sương phủ, đối mặt với muôn vàn gian khó, hiểm nguy.

Chỉ riêng con đường đến trường, chỉ riêng làm sao để các em tới lớp đông đủ là cả câu chuyện dài của các thầy cô giáo vùng khó. Vì đường xa khó đi nên con đường đến trường “gieo” chữ của các thầy cô cũng gập ghềnh trong muôn vàn gian khó. Chuyện những chiếc lốp xe quấn xích chằng chịt trên con đường lầy lội nhão nhoét, chuyện xe hư bỏ dọc đường chẳng ai lấy, chuyện thầy cô giáo áo quần lấm lem khi tới lớp, chuyện xây xước thâm tím mình mẩy, rồi gãy tay gãy chân và thậm chí là tử vong trên đường tới trường như câu chuyện buồn mới đây của cô giáo Mai Thị Yến.

Nào đâu mỗi gian nan chặng đường từ nhà đến trường. Mang bao nhiệt huyết tới trường, tới lớp lại lèo tèo dăm ba em học sinh, thậm chí có hôm chẳng có em nào, nỗi buồn của người thầy, người cô vùng sâu, vùng xa tăng lên gấp bội. Vậy là các thầy cô lại tiếp tục lặn lội trên chặng đường gian khó để đến từng làng vận động các em ra lớp, bỏ tiền cá nhân để mua sách vở, quần áo, lo bữa cơm cho các em. Như ở Trường Tiểu học Đăk Hà, để cho các em ở điểm trường Ty Tu vừa vui chơi, học chữ, vừa đảm bảo sức khỏe thay vì phải lội bộ đi - về trên chặng đường dễ chùn chân đến lớp, các thầy cô giáo đã không ngại ngần lên mạng xã hội rao bán hai con heo chăm sóc, nuôi nấng bấy lâu để có kinh phí tiếp tục duy trì bữa cơm miễn phí cho các em. Nói về chuyện này, cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ở điểm trường Ty Tu, nhiều em nhà cách trường hơn 3 km, sau buổi học sáng, buổi trưa các em về và thường nghỉ học luôn buổi chiều. Để duy trì sĩ số lớp học, 3 năm qua, giáo viên của trường đã nấu cơm ở điểm trường chính rồi mang lên điểm trường cho các em. Chi phí nấu ăn do giáo viên đóng góp và sự ủng hộ của các mạnh thường quân, mỗi suất ăn khoảng 8-10 nghìn đồng. Tuy nhiên, kinh phí đã gần hết, lo sợ khi ngừng nấu ăn, các em sẽ nghỉ học, nhà trường đã quyết định bán hai con heo để có thêm kinh phí duy trì bữa cơm cho các em.

Bữa cơm của các em ở điểm trường Ty Tu (Trường Tiểu học Đăk Hà). Ảnh: NP
Bữa cơm của các em ở điểm trường Ty Tu (Trường Tiểu học Đăk Hà). Ảnh: NP

Dẫu phải đối mặt với muôn vàn gian khó, nhưng với tình yêu trường lớp, tình yêu thương các em, các thầy cô giáo vùng khó vẫn ngày ngày vì đàn em thân yêu, nâng đỡ bước chân của các em băng qua gập ghềnh sự học.

Trước những tấm lòng nghĩa khí, trước tinh thần trách nhiệm, trước những việc làm đầy ắp tính nhân văn, trước sự hy sinh đó, chắc chắn, những lời nói hoa mĩ cao sang sẽ trở nên lạc lõng khi gắn với với các thầy, cô giáo nơi vùng khó. Chính các thầy, các cô mãi luôn là hình ảnh sống động nhất, cao đẹp nhất về nghề giáo, về tình nghĩa thầy-trò.

Có thể bạn quan tâm