(GLO)- Đi dọc các tuyến đường ở TP. Pleiku không khó để bắt gặp những người phụ nữ lớn tuổi tần tảo mưu sinh bằng việc thu mua, lượm lặt phế liệu. Chỉ với chiếc xe đạp hay đôi quang gánh, thậm chí 1 chiếc gùi trên lưng, họ đi khắp mọi nơi chỉ để thu lượm những thứ mà nhiều người cho là... rác.
Hầu hết những người thu gom phế liệu mà chúng tôi gặp đều là phụ nữ. Chẳng phải đàn ông không làm công việc được cho là “mua của kẻ chán, bán cho người cần” mà đơn giản là vì họ có sức khỏe nên thường chọn đi xa để thu mua được nhiều hơn. Rồi không biết từ khi nào, hình ảnh những người phụ nữ đi thu gom phế liệu trở nên quen thuộc đến mức họ chẳng cần cất tiếng rao nhưng ai cũng nhận ra.
Bước sang tuổi 72 nhưng ngày nào bà Võ Thị Lực (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cũng cùng chiếc xe đạp cũ đi dọc các tuyến đường Nguyễn Viết Xuân, Ngô Gia Khảm, Sư Vạn Hạnh, Hùng Vương... để mua phế liệu. Bà Lực chia sẻ, vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cái nên bà vẫn cố gắng tự mưu sinh. Mỗi ngày, bà đi khoảng 8-10 km và mua tất cả những thứ có thể bán được, từ vỏ lon bia, giấy vụn, xoong nồi hư, chai nhựa... “Hôm nào may mắn mua được sắt vụn, nhôm, đồng thì thu nhập nhỉnh hơn, bằng không thì chỉ kiếm được 50.000-60.000 đồng/ngày”-bà Lực cho biết. Mưu sinh bằng công việc này nhiều năm nên bà cũng có lượng khách hàng quen nhất định, đó là các cửa hàng tạp hóa, quán ăn, nhà hàng... Tuy nhiên, để duy trì các “mối hàng” quen, bà cũng thiết lập cho mình một nguyên tắc, đó là cân, đếm chính xác và tính giá cả hợp lý.
Bà Võ Thị Lực (phường Hội Thương, TP. Pleiku) thu mua phế liệu. Ảnh: P.D |
Dựng gọn chiếc xe đạp, ngồi bệt bên vệ đường nghỉ chân tránh nắng, bà Nguyễn Thị Phương (50 tuổi, phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho hay, vì không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc phụ hồ cho các công trình xây dựng nên gần 10 năm nay, bà chuyển qua mua phế liệu. Với bà Phương, công việc này không gò bó về thời gian, không phải làm nặng, đồ nghề cũng đơn giản, chỉ cần 1 chiếc xe đạp, 1 chiếc cân, chiếc làn nhựa, vài chiếc bao... “Hiện tại, người thu mua nhiều nên có khi cả buổi sáng đi đến con phố nào cũng gặp “đồng nghiệp” và chẳng mua được gì. Mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 50.000-80.000 đồng, hôm nào may hơn thì được một vài gia đình họ cho chứ không bán”-bà Phương cho hay.
Còn bà Rơ Lah Blam (thôn 8, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) vì không biết đi xe đạp, cũng chẳng biết gánh nên luôn gắn bó với chiếc gùi. Đất đai canh tác không có, đi làm thuê thì không đủ sức khỏe nên đều đặn mỗi sáng, bà Blam đều rời nhà lên khu vực phường Trà Bá, Chi Lăng (TP. Pleiku) để lượm ve chai. “Mình sống cùng con gái, nó cũng nghèo nên đi làm thuê suốt. Mình 70 tuổi rồi, không ai thuê nên chỉ biết đi lượm ve chai về bán, nếu có ai bán mình cũng mua nhưng chỉ mua những thứ ít tiền thôi”-bà Blam trải lòng. Rời nhà từ sáng sớm, tranh thủ thu mua và lượm lặt cả buổi trưa, đến đầu giờ chiều dù ít hay nhiều, bà Blam cũng bán luôn cho các cơ sở thu mua phế liệu rồi về nhà. “Nghỉ ngơi rồi sáng mai lại đi tiếp chứ đi nhiều quá chân đau nhức không chịu nổi. Mỗi ngày mình kiếm được 30.000-40.000 đồng, đủ mua gạo, mắm”-bà Blam nói.
Không khó để bắt gặp những người thu mua phế liệu trên các tuyến đường. Ảnh: P.D |
Nếu chịu khó cũng đủ sống là nhận định chung của nhiều người đang mưu sinh từ phế liệu, song rõ ràng xung quanh công việc này vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm. Bởi hàng ngày, họ phải tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm thứ bỏ đi, từ sắt vụn, giấy vụn, vỏ lon, chai nhựa... mà không có bất kỳ một thứ đồ bảo hộ nào. Chưa kể, tất cả những thứ cồng kềnh ấy đều được chất trên chiếc xe đạp rồi lưu thông trên đường, khá nguy hiểm cho bản thân cũng như những người xung quanh.
PHƯƠNG DUNG