Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mỹ thuật tôn vinh sắc màu Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi Mỹ thuật Gia Lai năm 2024 với chủ đề “Sắc màu Tây Nguyên” đã tìm ra những cái tên xứng đáng để trao giải và tôn vinh cống hiến của họ đối với mỹ thuật tỉnh nhà. Đây còn là cơ hội phát hiện nhân tố mới để bồi dưỡng, kế thừa.
Họa sĩ Phạm Thế Bộ chia sẻ về ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm “Hạnh phúc của rừng”. Ảnh: L.N

Họa sĩ Phạm Thế Bộ chia sẻ về ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm “Hạnh phúc của rừng”. Ảnh: L.N

Từ 46 tác phẩm gửi về tham dự, Ban tổ chức đã chọn ra 15 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba và 8 giải khuyến khích. Theo đó, họa sĩ Phạm Thế Bộ đạt giải nhất với tác phẩm “Hạnh phúc của rừng”; họa sĩ Võ Văn Tiếng và nhà điêu khắc Nguyễn Nam lần lượt được trao giải nhì với tác phẩm: “Pơ thi 2”, “Gìn giữ thanh âm đại ngàn”.

Giải ba thuộc về các tác giả Nguyễn Văn Dũng (tác phẩm “Chung một niềm tin”), Trần Văn Hùng (“Chiều của mẹ”), Lê Nguyễn Thảo My (“Hai miền di sản”), Lê Vinh (“Hội pơ thi”).

Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo tác phẩm vừa được Hội đồng nghệ thuật đánh giá “có hình thức thể hiện mới mẻ” và thống nhất trao giải cao nhất, họa sĩ Phạm Thế Bộ cho hay: Chủ thể của tác phẩm là 4 tượng gỗ dân gian, tượng trưng cho 4 thành viên trong gia đình. Thay vì lấy con người làm nhân vật trung tâm, anh chọn vẽ tượng với chất tạo hình lập thể theo lối hiện đại. Bao quanh các tượng gỗ này là rừng xanh, là muông thú vui vầy, như một ẩn dụ về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

Thiên nhiên bảo bọc con người và con người phải làm gì để có những tác động tích cực trở lại, đó là câu hỏi đặt ra trong tác phẩm này. Theo họa sĩ Phạm Thế Bộ, giải thưởng là niềm vui lớn, động viên anh trên hành trình sáng tạo nghệ thuật.

Tại cuộc thi, tác giả Trần Văn Hùng (nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư) không gây bất ngờ khi được trao giải ba bởi ngoài đam mê với nhiếp ảnh, gần đây, ông bắt đầu cầm cọ trở lại. Ít ai biết rằng, những năm tháng sinh viên, ông từng kiếm sống bằng nghề vẽ.

Tham gia sân chơi lần đầu tiên được tổ chức, ông gửi về 3 tác phẩm tranh sơn dầu, đều mang đậm cảm hứng về vùng đất Tây Nguyên, gồm: “Chiều của mẹ”, “Mẹ vắng nhà” và “Tiếng gọi núi rừng” với bút pháp đặc tả phóng khoáng.

Tác giả Trần Văn Hùng khẳng định: Từ những trải nghiệm cuộc sống, con người và văn hóa Tây Nguyên trong suốt những năm tháng qua, tới đây, ông dự kiến sẽ ra mắt bộ tranh về Tây Nguyên, đồng thời xin gia nhập Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) khi đủ điều kiện.

Từng có tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên song phải bỏ dở đam mê suốt 5 năm vì những biến cố lớn của bản thân và gia đình, tác giả Hồ Thị Mỹ Hạnh cũng chia sẻ niềm vui khi có tranh được trao giải khuyến khích tại cuộc thi. Đây là tác phẩm đầu tiên đạt giải kể từ lúc chị quay trở lại với hội họa cách đây 1 năm.

Là người mẹ từng trải qua nỗi đau mất con, niềm nhớ nhung được chị gửi gắm vào tác phẩm “Tình mẫu tử”. Mỹ Hạnh trò chuyện: “Từ sự động viên này cộng với sự giúp đỡ của các anh chị em trong Chi hội Mỹ thuật, tới đây, tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Trao đổi với P.V, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cuộc thi-đánh giá: Mỹ thuật Gia Lai đang có sự vươn mình khởi sắc. Các tác giả luôn tìm tòi, nghiên cứu và thể nghiệm mình bằng cái mới, cái lạ trong tác phẩm.

Gần đây, Gia Lai được xướng danh ở nhiều cuộc thi, các cuộc triển lãm trong khu vực và toàn quốc. Bên cạnh những tên tuổi đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các họa sĩ không chuyên ở các cuộc triển lãm đã cho thấy sức sáng tạo và sự tự tin ở lớp kế cận, mang đến những tác phẩm phản ánh chân thực, trong sáng về đất và người nơi đây.

Họa sĩ Phạm Thế Bộ nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Ảnh: L.N

Họa sĩ Phạm Thế Bộ nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Ảnh: L.N

Theo họa sĩ Mai Quý Ngọc-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật: Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng cuộc thi đã thu hút rất nhiều tác giả chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh tham dự.

“Nhiều tác phẩm có sự đầu tư, có phong cách độc đáo, mới lạ. Hy vọng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tiếp tục tổ chức thêm nhiều cuộc thi nhằm khích lệ phong trào mỹ thuật Gia Lai, tôn vinh và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Tây Nguyên”-họa sĩ Mai Quý Ngọc mong đợi.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cuộc thi cũng bày tỏ đôi chút tiếc nuối khi quy mô lễ trao giải còn nhỏ hẹp, chưa thật sự tạo sức lan tỏa. Do vậy, họa sĩ Mai Quý Ngọc đề xuất những năm tới nên tổ chức tổng kết, trao giải quy mô hơn, cùng với đó công bố toàn bộ tác phẩm đạt giải tại cuộc thi để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Có thể bạn quan tâm