Hơn 100.000 người khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam và gia đình họ tại 8 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên -Huế, Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước sẽ nhận được hỗ trợ về y tế và các mặt đời sống xã hội.
Chiều 20-1, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường đã ký Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại về hỗ trợ người khuyết tật do chất độc da cam tại Việt Nam.
Đại diện Việt Nam và Mỹ ký kết các chương trình hợp tác |
Theo đó, dự án sẽ được thực hiện với nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Mỹ là 65 triệu USD và một phần vốn đối ứng ngân sách nhà nước Việt Nam khoảng 75 tỉ đồng. Dự án được xác định sẽ tác động tích cực tới ít nhất 100.000 người khuyết tật và gia đình của họ ở 8 tỉnh gồm: Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước.
Kết hợp cùng buổi ký kết, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Bộ Quốc phòng) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tổ chức lễ công bố kết quả chương trình xử lý chất độc dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa sau một năm thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh tham dự các lễ ký kết |
Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa do phía Mỹ cùng Bộ Quốc phòng chủ trì được khởi công từ tháng 12-2019. Sau một năm, dự án đã thực hiện bốc xúc được gần 1.200 mét khối trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, đưa vào khu vực xử lý ở công đoạn tiếp theo đồng thời giải phóng và phục hồi toàn bộ diện tích bề mặt hồ nơi có nhiều chất độc dioxin tại khu vực Cổng 2.
Trong thời gian tới, Quân chủng Phòng không – Không quân sẽ tiếp tục bàn giao mặt bằng các khu vực ô nhiễm dioxin phía trong sân bay Biên Hòa với tổng diện tích khoảng 7,2 ha cho các bên liên quan tiến hành xử lý, phục hồi và xây dựng công trình của dự án trong năm 2021.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và bà Ann Marie Yastishock - Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam, với sự chứng kiến của ông Daniel J.Karitenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã ký kết Ý định thư hợp tác truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam, Mỹ và quốc tế.
Theo X.Hoàng (NLĐO)