Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Myanmar mất 180 căn cứ quân sự, 7 thị trấn bang Rakhine vào tay phiến quân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 20/5, giao tranh giữa Quân đội Myanmar và nhóm vũ trang sắc tộc Quân đội Arakan (AA) diễn ra ác liệt tại bang Rakhine khiến hàng chục nghìn người Hồi giáo Rohingya phải dời bỏ nhà cửa, truyền thông khu vực đưa tin.
Người tỵ nạn Rohingya, Myanmar chờ nhận viện trợ sau khi vượt biên sang Bangladesh năm 2017. Ảnh: Reuters

Người tỵ nạn Rohingya, Myanmar chờ nhận viện trợ sau khi vượt biên sang Bangladesh năm 2017. Ảnh: Reuters

Truyền thông trích dẫn tuyên bố của nhóm AA cho biết, nhóm này hôm 19/5 đã đánh chiếm căn cứ chỉ huy quân sự chiến lược của Quân đội Myanmar sau nhiều ngày giao tranh dữ dội, qua đó kiểm soát hoàn toàn thị trấn Buthidaung, phía Bắc bang Rakhine. AA đã đánh chiếm 180 căn cứ quân sự và kiểm soát 7 trong số 17 thị trấn ở bang Rakhine trong nửa năm qua.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế bày tỏ quan ngại về giao tranh ác liệt, trong đó có các hành vi đốt phá ở thị trấn Buthidaung, khiến ít nhất 100.000 người dân Myanmar, chủ yếu là người Hồi giáo Rohingya, bị mất nhà cửa, buộc phải di dời trong những ngày qua. Một số hội, nhóm của người Rohingya cáo buộc AA đã chủ ý phá hủy nhà cửa và các tài sản khác của người Rohingya.

Các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ nhân đạo xác nhận buộc phải sơ tán hầu hết nhân viên khỏi khu vực miền Bắc bang Rakhine để đảm bảo an toàn. Các tổ chức này kêu gọi Quân đội Myanmar cũng như nhóm AA dừng giao tranh ngay lập tức để tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo, tránh tái diễn khủng hoảng nghiêm trọng ở bang Rakhine.

Bang Rakhine, nằm dọc theo bờ biển phía Tây của Myanmar, tiếp giáp với Bangladesh. Hồi năm 2017, bang này đã chứng kiến các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng, khiến hơn 750.000 người Rohingya phải tìm cách vượt biên sang Bangladesh, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.

Sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra hồi tháng 2/2021 và sau thất bại từ những cuộc biểu tình ôn hòa của người dân trước sự đàn áp của Tatmadaw, đã dẫn đến sự ra đời của Lực lượng Phòng vệ nhân dân PDF, kết hợp với sự tham gia của các nhóm vũ trang dân tộc cùng nhau chiến đấu chống lại chính quyền quân sự Myanmar.

Trong 2 năm 2021, 2022, cuộc chiến trong thế giằng co vì người Shan vẫn đứng ngoài cuộc xung đột. Kịch tính diễn ra và kéo dài kể từ ngày 27/10/2023 khi lực lượng dân quân một số bang, trong đó có ban Shan quyết định tham gia chiến dịch chống lại chính quyền quân sự Myanmar.

Có thể bạn quan tâm