Thời sự - Bình luận

"Nam tiến" vì nước Việt Nam là một!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những ngày qua, nhiều đoàn quân áo xanh đã được điều động từ Bắc vào Nam. Đó là hàng ngàn người lính từ các đơn vị quân đội. Họ là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, y-bác sĩ và những học viên quân y còn rất trẻ đầy hăm hở, nhiệt huyết trước nhiệm vụ được giao. Cùng với lực lượng hiện có, những người lính vào vùng dịch ấy sẽ tham gia nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ người dân TP. Hồ Chí Minh.
Qua những hình ảnh nghiêm trang của lễ xuất quân, cảnh đồng đội chia tay nhau cảm động ấy, tôi bất giác nhớ về một sự kiện của 76 năm về trước: Phong trào Nam tiến!
Ngày 19-8-1945 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử dân tộc ta: Giành chính quyền về tay Nhân dân. Đến ngày 2-9-1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Tuy nhiên, nhà nước non trẻ ấy sớm phải đối mặt với thử thách khi ngày 23-9, thực dân Pháp nổ súng gây chiến ở Nam Bộ.
Ngay lập tức, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của sơn hà, một phong trào sôi nổi và rộng khắp hướng về miền Nam đã diễn ra. Các tài liệu lịch sử cho biết, Nhân dân ta đã liên tục tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình rầm rộ bày tỏ thái độ ủng hộ miền Nam. Các tỉnh ở miền Bắc và miền Trung đã lập ra một tổ chức mới mẻ có tên là “Phòng Nam Bộ” ghi danh những người tình nguyện vào Nam chiến đấu.
Lễ xuất quân tại Sư đoàn 5 giúp Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Lễ xuất quân tại Sư đoàn 5 giúp TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Từ núi rừng Việt Bắc mới trở về Hà Nội chưa lâu, các chi đội Việt Nam giải phóng quân gấp rút được chỉnh đốn, trang bị vũ khí sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ mới. Cùng với đó, nhiều thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, bao gồm lực lượng công nhân, nông dân, thợ thuyền, sinh viên, học sinh, kỹ sư, thầy thuốc, nhà giáo, viên chức và ngay cả một số nhà sư cũng cởi áo cà sa lên đường vào Nam.
Đêm 26-9-1945, đoàn quân Nam tiến đầu tiên lên tàu từ Ga Hàng Cỏ (Hà Nội) xuôi vào Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cấp tốc cử tướng Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn vào chi viện cho mặt trận Nam Bộ. Những đoàn quân Nam tiến phơi phới tuổi mười tám, đôi mươi ấy đã đi bộ và theo tàu hỏa vào miền đất đang có tiếng súng. Không kể ngày đêm, các tầng lớp nhân dân nô nức chào đón, tiễn đưa và chuẩn bị sẵn từng bữa cơm dọc đường cho họ. Đáng kể hơn, đoàn quân càng vào sâu thì số lượng đội viên của mỗi đơn vị càng tăng, bởi các chỉ huy đã không nỡ từ chối sự nhiệt thành và tự nguyện muốn được góp sức mình vào cuộc kháng chiến chung của những người trẻ tuổi ở khắp các làng xã.
Lịch sử chiến tranh nước ta đã ghi nhận sự đóng góp lớn lao của phong trào Nam tiến. Những người con ưu tú và vũ khí từ miền Bắc được chuyển vào Nam những năm đầu kháng Pháp đã tạo nên một cục diện mới trên chiến trường này. Quan trọng hơn, như một sự khởi đầu chứa đầy niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, chính Nam tiến đã góp phần giúp vùng đất Nam Bộ đứng vững suốt cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.
Nước Việt Nam là một. 76 năm trước, những người lính trẻ trên đường trường chinh vào Nam đã cất cao lời bài hát “Phất cờ Nam tiến” tha thiết: “Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến/Trời phía Nam dân chúng đang chờ ta/Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến/Trời phía Nam dân chúng đang mong chờ”. Và, bằng sự chiến đấu quên mình, họ đã làm được điều cả dân tộc khi ấy trông đợi, ghi tên mình vào sử sách.
Những ngày này, cả nước luôn ngóng tin vui từ vùng dịch các tỉnh phía Nam. Tất cả mọi người đều hy vọng dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt để cuộc sống trở lại bình thường. Thời gian qua, nhiều cán bộ y tế và các nguồn lực xã hội khác từ các địa phương đã được chi viện cho TP. Hồ Chí Minh. Và hôm nay, sự xuất hiện đồng loạt của những người lính từ miền Bắc tại đây, thêm một lần nữa cho thấy sự sẻ chia sâu sắc của cả nước đối với đô thị có dân số lớn nhất nước này. Chúng ta tin tưởng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là “đầu tàu” kinh tế, một hình mẫu phát triển của Việt Nam.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm