Xã hội

Đời sống

Nạn nhân chất độc da cam nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, hầu hết số nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin ở huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đều được hưởng chế độ hàng tháng. Tuy vậy, đời sống của họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng.

Chúng tôi vừa đến thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh (làng H’Lâm, thị trấn Đak Đoa). Trong gia đình, ngoài ông Minh còn có 2 người con là Nguyễn Sinh Tiến và Nguyễn Ngọc Quý bị nhiễm CĐDC.

Gia đình ông Minh tá túc trong căn nhà cấp 4 chỉ chừng 30 m2. Tài sản trong nhà chỉ là những vật dụng cũ kỹ, không mấy giá trị. Tuy tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng vợ chồng ông Minh vẫn gắng gượng làm việc, chắt chiu lo toan cuộc sống gia đình.

Ông Minh kể: Ông quê ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Năm 1967, ông tham gia hoạt động cách mạng tại khu 9 (nay là TP. Pleiku) và vùng phụ cận từng bị quân đội Mỹ rải nhiều chất độc hóa học tàn phá. Ông vừa là thương binh 4/4, vừa bị nhiễm CĐDC/dioxin. 2 người con cũng bị nhiễm CĐDC/dioxin.

Bà Trần Thị Hoan (thôn Cầu Vàng, xã Kdang) cũng là trường hợp bị nhiễm CĐDC. Bà Hoan quê ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, tham gia kháng chiến năm 1970 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn-Đoàn 559. Bà được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Sau năm 1975, bà cùng đơn vị vào tỉnh Kon Tum làm kinh tế quốc phòng. Năm 1985, bà theo chồng đến Nông trường Cao su Kdang làm công nhân.

Do ảnh hưởng CĐDC, thời gian gần đây, bà bị bệnh tăng huyết áp, đau đầu mất ngủ, ù tai khó nghe, mỏi mệt toàn thân. Gia cảnh khó khăn, bệnh tật hành hạ nên nhiều khi bà phải đi vay mượn để chữa bệnh.

Ông Nguyễn Hữu Dâng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã Kdang thăm hỏi, động viên bà Trần Thị Hoan ở thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.M

Ông Nguyễn Hữu Dâng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã Kdang thăm hỏi, động viên bà Trần Thị Hoan ở thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.M

Hoàn cảnh bà Hoan, ông Minh cũng như nhiều nạn nhân khác rất cần cộng đồng chia sẻ và chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Theo ông Nguyễn Hữu Dâng-Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã Kdang: Toàn xã có 35 hội viên nạn nhân CĐDC/dioxin, trong đó 18 hội viên bị phơi nhiễm trực tiếp và 7 hội viên thế hệ thứ hai.

Tuy được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, song cuộc sống của các nạn nhân vẫn rất khó khăn. Bản thân ông Dâng đã 72 tuổi, chỉ hưởng trợ cấp hơn 2,6 triệu đồng/tháng. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, ông xin làm bảo vệ cho Điện lực Đak Đoa.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Nên-Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đak Đoa-cho hay: “Huyện Đak Đoa có hơn 230 nạn nhân CĐDC. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng, các nạn nhân đã được xoa dịu nỗi đau phần nào. Các nạn nhân đều cố gắng vươn lên, hỗ trợ nhau sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để vượt qua đói nghèo, ổn định cuộc sống”.

Có thể bạn quan tâm