Hiện nay, việc phát triển giáo dục STEM góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức các tiết dạy chuyên đề STEM cấp thành phố tại Trường tiểu học Vạn Thái (huyện Ứng Hòa). Tiết học STEM môn Tự nhiên và Xã hội, chuyên đề “Nơi sống của động vật” được cô giáo Hoàng Thị Thảo mở đầu trong không khí sôi nổi với phần hát và vận động theo nhạc bài “Đố bạn”.
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong ngày hội STEM 2024. |
Cô Thảo đã khéo léo dẫn dắt học sinh vào tiết học, ôn lại kiến thức cũ gắn với nội dung, đặc điểm, tính chất, sự chuyển động động vật trong tự nhiên, từ đó kích thích học trò tìm hiểu khám phá kiến thức. Qua bài học STEM, học sinh biết môi trường sống của động vật, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ với chúng. Đặc biệt, các em được phát triển năng lực tự chủ, tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề, cảm nhận và khám phá được vẻ đẹp, hiện tượng tự nhiên. Sau khi tham dự tiết dạy chuyên đề, hầu hết ý kiến đánh giá tiết dạy có ý nghĩa thiết thực, giúp phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; đóng góp một số phương pháp dạy học hiện đại, có thể áp dụng hiệu quả và nhân rộng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục STEM, các cơ sở giáo dục của thành phố tập trung đầu tư trong kế hoạch công tác hằng năm; đồng thời tích cực triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử... để tăng cường trao đổi thông tin với phụ huynh học sinh. Các nhà trường quan tâm đồng bộ các thiết bị dạy học, không được để lãng phí các thiết bị thực hành; giáo viên chủ động cấu trúc lại các nội dung kiến thức để học sinh có nhiều hơn thời gian hoạt động trong các giờ học, nhất là tăng cường các hoạt động thực hành.
Trong khi đó, theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng năm học 2023-2024, địa phương đã triển khai giáo dục STEM đối với cấp tiểu học để tạo ra sự giáo dục STEM liền mạch giữa các cấp học. Ở cấp trung học cơ sở đã triển khai dưới dạng các chủ đề bài học STEM, các hoạt động giáo dục STEM gắn với nội dung các môn học. Nhiều giáo viên đã thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo hình thức mới là đánh giá sản phẩm STEM thông qua phiếu đánh giá.
Đồng thời, giáo viên đã áp dụng các phương pháp dạy học tích cực để dạy học các chủ đề STEM. Còn tại Đắk Lắk, để triển khai giáo dục STEM có hiệu quả, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phổ biến, quán triệt tinh thần STEM đến các nhà trường. Theo đó, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch giáo dục STEM một cách linh hoạt, chủ động, phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương.
Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh đã được triển khai thực hiện từ năm 2006 ở một số địa phương. Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán thực hiện giáo dục STEM nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học nắm bắt nội dung, phương pháp, hình thức triển khai hoạt động hiệu quả.
Giáo dục STEM đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của học sinh, phù hợp định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Số lượng các trường triển khai bài dạy STEM ngày càng tăng so với các năm học trước. Riêng năm học 2022-2023 có hơn 75 nghìn lượt bài dạy STEM đã được triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học trên cả nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai giáo dục STEM, học sinh mới tham gia chủ yếu ở phần thực nghiệm, việc thiết kế, xây dựng phương án thí nghiệm để giải quyết vấn đề phát hiện còn hạn chế; chưa có nhiều cơ hội để học sinh được áp dụng kiến thức đã học từ chương trình môn học giải quyết các tình huống trong thực tiễn; phần lớn các bài học là STEM kỹ thuật, chế tạo dụng cụ, học sinh thực hiện theo quy trình đã định trước, bài học STEM khoa học còn ít được triển khai.
Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu về STEM. Các thầy, cô giáo, chuyên gia là những người hướng dẫn, học sinh phải là chủ thể chính trong hoạt động giáo dục này. Quá trình triển khai các bài học, hoạt động, dự án phải dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp đặc điểm lứa tuổi học sinh, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của nhà trường để thực hiện và không áp đặt suy nghĩ, tư duy giải quyết vấn đề của người lớn qua các em học sinh phổ thông.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục cần tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và triển khai với tinh thần sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và là nhiệm vụ cần thực hiện trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; sẵn sàng góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhân rộng hiệu quả trong quá trình triển khai…