Xã hội

Lao động - Việc làm

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi tốt nghiệp, hầu hết sinh viên học tại phân hiệu các trường đại học đứng chân trên địa bàn tỉnh và Trường Cao đẳng Gia Lai đều tìm được việc làm phù hợp. Có được kết quả này là nhờ các cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với thị trường lao động.

Anh Bạch Công Hùng (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cho hay: Sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ngọc Hồi, anh quyết định học ngành Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Gia Lai.

“Sau khi ra trường, tôi được nhà trường giới thiệu vào làm công nhân sản xuất và bảo dưỡng thiết bị đèn điện tại Công ty TNHH Công nghệ Ilumen (TP. Hồ Chí Minh). Hiện mức thu nhập của tôi khoảng 9-15 triệu đồng/tháng. Được làm công việc đúng với ngành nghề đào tạo, tôi rất vui”-anh Hùng bày tỏ.

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai thực hành nghề cắt gọt kim loại. Ảnh: H.T

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai thực hành nghề cắt gọt kim loại. Ảnh: H.T

Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Gia Lai luôn chú trọng thu hút học sinh tốt nghiệp THPT và định hướng nghề nghiệp phù hợp, đúng sở trường. Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Nhà trường xác định đây là một trong những việc cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế học sinh, sinh viên (HSSV) bỏ học giữa chừng. Khóa học 2022, nhà trường đào tạo được 6.912 HSSV. Tỷ lệ HSSV chính quy xếp loại khá, giỏi đạt 78,1%; tỷ lệ tốt nghiệp đạt gần 99,9%. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với các doanh nghiệp tạo việc làm cho 99% sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Cùng với dạy lý thuyết, nhà trường còn chú trọng kỹ năng nghề cho HSSV. Hàng năm, nhà trường cung ứng hàng trăm lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh”-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Phong-Trưởng phòng Đào tạo Công ty TNHH Toyota Gia Lai-đánh giá: “Hàng năm, Công ty tiếp nhận hàng trăm sinh viên của Trường Cao đẳng Gia Lai đến thực tập. Chúng tôi hài lòng với chất lượng đào tạo nghề của nhà trường. Thời gian thực hành của HSSV chiếm khoảng 70% khóa học, còn thời gian thực tập tại doanh nghiệp cho mỗi nghề là 3-6 tháng. Ngoài ra, HSSV năm thứ nhất đi thực tế tại doanh nghiệp từ 4 đến 8 tuần. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, các em không cần trải qua các khóa đào tạo lại mà chỉ cần tìm hiểu quy trình hoạt động máy móc tại đơn vị là có thể bắt tay vào làm được việc ngay”.

Tương tự, sau 17 năm đi vào hoạt động, Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng. Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Phân hiệu-thông tin: Hàng năm, Phân hiệu có hàng trăm sinh viên ra trường, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà. Năm học 2022-2023, Phân hiệu đào tạo 450 sinh viên, tỷ lệ sinh viên chính quy xếp loại khá, giỏi đạt 58%. Nhà trường liên kết với các doanh nghiệp tạo việc làm cho trên 95% HSSV tốt nghiệp. Đặc biệt, nhà trường còn đào tạo lưu học sinh Lào.

Lãnh đạo Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trao bằng tốt nghiệp cho 2 du học sinh Lào. Ảnh: Đinh Yến

Lãnh đạo Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trao bằng tốt nghiệp cho 2 du học sinh Lào. Ảnh: Đinh Yến

Được nhận học bổng toàn phần tại Việt Nam suốt 4 năm học, anh Cheaboy Sihavong (huyện Bachieng, tỉnh Champasak, Lào) rất vui khi vừa nhận bằng cử nhân kế toán tại Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai. Sau khi ra trường, anh được Công ty cổ phần Cao su Dầu Tiếng Việt-Lào nhận vào thử việc.

Anh Cheaboy Sihavong cho biết: “Suốt 4 năm học, mỗi tháng, tôi được nhận học bổng 3,6 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp, tôi còn được nhà trường tạo điều kiện tìm việc làm. Hiện mức lương thử việc 3 tháng đầu là 7-8 triệu đồng”.

Năm học 2022-2023, Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai có 457 sinh viên theo học 6 ngành nghề gồm: Lâm sinh, Quản lý đất đai, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Kế toán và Quản trị kinh doanh. Ông Huỳnh Nhân Trí-Trưởng phòng Đào tạo-thông tin: Gia Lai đang có nhiều vị trí việc làm phù hợp với ngành nghề các em theo học tại đây. Nhiều sinh viên năm cuối, khi thực tập tại các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã được nhận lương thử việc.

Theo ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động của tỉnh hiện đạt gần 39%. Số lao động được đào tạo nghề có việc làm ổn định tăng lên qua từng năm. “Hiện tại, công tác đào tạo nghề luôn gắn với thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Nhờ đó, sinh viên sau khi ra trường có cơ hội nghề nghiệp cao hơn rất nhiều lần so với những ngành nghề đào tạo truyền thống như trước đây”-ông Hải nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm