Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp hay, cách làm hiệu quả nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).

Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người DTTS, việc tăng cường tiếng Việt được xem là một trong những giải pháp quan trọng, làm tiền đề để các em lĩnh hội tốt kiến thức của các môn học khác. Những năm qua, Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” được các đơn vị, trường học trong tỉnh quan tâm thực hiện, đảm bảo học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp và của bậc học.

Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người dân tộc thiểu số ở Gia Lai ảnh 1

Học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Kông Htok, huyện Chư Sê) đọc sách tại thư viện. Ảnh: M.T

Ông Phạm Xuân Phúc-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê-cho hay: Hàng năm, bên cạnh việc cử cán bộ, giáo viên tham dự tập huấn, hội thảo chuyên môn về tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, huyện còn mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức hội thảo chuyên đề cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên sát với tình hình và yêu cầu của địa phương; khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng tiếng DTTS để nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng được Phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo các đơn vị triển khai như: tạo dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, trang trí khuôn viên lớp học; xây dựng thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện lớp học để học sinh có nhiều cơ hội đọc sách nhằm bồi dưỡng văn hóa đọc, nâng cao tri thức, nhất là tri thức và năng lực tiếng Việt cho học sinh DTTS; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giúp học sinh DTTS có nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc và bổ sung vốn từ tiếng Việt hiệu quả.

Bên cạnh đó, Phòng cũng chỉ đạo và giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình kế hoạch dạy học, xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng học sinh nói chung và học sinh DTTS nói riêng.

“Bằng việc phối kết hợp nhiều nhóm giải pháp, chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh người DTTS trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến rõ nét. Đến nay, tỷ lệ học sinh người DTTS hoàn thành và hoàn thành tốt môn Tiếng Việt đạt 96,3%. Các em mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp tiếng Việt; đồng thời học tập tốt hơn các môn học khác”-ông Phúc khẳng định.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 756 trường mầm non và phổ thông với 418.617 học sinh/12.227 lớp. Trong đó, tỷ lệ học sinh người DTTS chiếm trên 46%. Trên địa bàn tỉnh có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú, 22 trường phổ thông dân tộc bán trú, 27 trường phổ thông có học sinh bán trú. Với nhiều cách làm phù hợp và hiệu quả, những năm qua, các ngôi trường chuyên biệt này đã góp công lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS của tỉnh.

Cô Hồ Thị Thủy-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kông Chro-cho hay: Toàn trường hiện có 5 lớp với 146 học sinh. Để cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã đẩy mạnh công tác ôn tập, phụ đạo ngoài giờ chính khóa, đem lại hiệu quả cao như: bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém; mô hình “Tiếng kẻng học bài”, “Đôi bạn cùng tiến”, thư viện thân thiện…

Ngoài ra, nhà trường còn chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ học tập, câu lạc bộ sở thích cho học sinh (Tiếng Anh, bóng chuyền, múa xoang, hát dân ca Bahnar…) nhằm giúp các em có điều kiện phát huy tối đa năng khiếu và đam mê của mình.

“Các hoạt động trên đã giúp học sinh thay đổi nhận thức, chủ động, sáng tạo hơn trong học tập, từ đó, yêu thích và gắn bó với trường lớp. Điều này đã góp phần đáng kể trong công tác duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm sau đều cao hơn năm trước. Nhà trường không còn học sinh học lực kém”-cô Thủy phấn khởi thông tin.

Việc xây dựng thư viện thân thiện tại các trường giúp học sinh DTTS có nhiều cơ hội đọc sách để nâng cao tri thức và năng lực tiếng Việt. Ảnh: Mộc Trà

Việc xây dựng thư viện thân thiện tại các trường giúp học sinh DTTS có nhiều cơ hội đọc sách để nâng cao tri thức và năng lực tiếng Việt. Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, với nhiệm vụ đặc thù, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Theo Hiệu trưởng Võ Thành Nguyên, sau khi xây dựng kế hoạch, nhà trường đã tổ chức, quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên và tự học của học sinh một cách chặt chẽ, khoa học; đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Các hoạt động đặc thù phù hợp với đối tượng học sinh như: giáo dục văn hóa dân tộc, kỹ năng sống, tư vấn hướng nghiệp, văn nghệ-thể thao, quản lý học sinh nội trú… được duy trì thường xuyên.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng nâng lên. Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực trung bình trở lên chiếm 99,75%; trong đó có 92/395 học sinh học lực giỏi, 236 em đạt học sinh khá, 66 em trung bình. Học sinh của trường cũng mang về 12 giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh (bảng B) với 1 giải nhì, 5 giải ba và 6 giải khuyến khích. 100% học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT; tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng chiếm 84,03%.

Tại hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi; nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người DTTS. Trong đó, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh DTTS; phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác vận động học sinh người DTTS ra lớp, duy trì sĩ số, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Song song với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với đối tượng học sinh. Đặc biệt, người đứng đầu các cơ sở giáo dục có học sinh DTTS phải chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

“Bên cạnh tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục vùng DTTS, thời gian tới, ngành sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành chế độ chính sách đặc thù đối với học sinh người DTTS và công tác quản lý nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh nội trú, bán trú. Đồng thời, các phòng GD-ĐT và đơn vị trường học cần chủ động tổ chức hội thảo, hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả công tác này trong giai đoạn 2023-2025”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm