(GLO)- Giáo dục dân tộc giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao tri thức cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, góp phần cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có 17 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, 28 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (tăng 3 trường so với năm học trước). Số học sinh được học tập bán trú ngày càng tăng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong công tác phát triển giáo dục dân tộc với nhiều chế độ ưu đãi về chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang thường xuyên rèn luyện tiếng Việt bằng cách đọc sách báo. Ảnh: Bảo Lam |
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn thì nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tạo sự đồng đều trong học sinh dân tộc thiểu số là nhiệm vụ rất quan trọng. Năm học 2017-2018, hai ngôi trường giáo dục chuyên biệt là Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) đã khá thành công với mục tiêu này khi dẫn đầu cả tỉnh về tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT (100%) và có độ chênh lệch điểm trung bình lớp 12-điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT thấp nhất toàn tỉnh. Cụ thể, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh có độ chênh lệch là 0,12 điểm, xếp thứ nhất; Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai có độ chênh lệch là 0,49 điểm, xếp thứ 2. Điều này thể hiện rõ vấn đề: điểm thi thể hiện đúng thực lực học tập của các em.
Việc nhà trường chú trọng đến công tác giáo dục đại trà đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp thu kiến thức phù hợp với khả năng. Em Ksor HPhương (lớp 12C, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) nói: “Đầu mỗi năm học, chúng em đều được làm bài kiểm tra để nhà trường xếp lớp theo khả năng, sở trường của mình. Trong quá trình học, thầy cô luôn quan tâm đến việc ôn tập cho chúng em những môn còn yếu nên dần dần học sinh nào cũng học đều các môn. Khi đó, em thấy việc học trở nên thuận lợi, không có nhiều áp lực”.
Thầy Hà Hữu Phúc-Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai-cho biết: “Đối với học sinh dân tộc, vai trò của công tác nâng cao chất lượng giáo dục đại trà là rất quan trọng. Tạo lực học đồng đều trong học sinh toàn trường chính là tạo động lực cho các em cố gắng phấn đấu khi thấy bản thân không quá thua kém bạn bè.
Thầy cô thường xuyên động viên, khuyến khích dù sự tiến bộ của các em là rất nhỏ để các em không bị áp lực dẫn đến chán học. Đối với hơn 400 học sinh của nhà trường, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em có nhiều cơ hội học tập từ thầy cô, bạn bè. Khi thấy được sự tiến bộ của bản thân, các em sẽ có động lực phấn đấu từng bước một”.
Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở bậc Mầm non, Tiểu học và THCS, Sở GD-ĐT đã ban hành tài liệu học tập, tham khảo về cách dạy-học tiếng Bahnar để áp dụng ngay trong năm học 2018-2019. Ngành GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục duy trì các mô hình tăng cường tiếng Việt cho học sinh Mẫu giáo, Tiểu học người dân tộc thiểu số; phát triển mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện để tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số phát triển văn hóa đọc, tự rèn luyện tiếng Việt...
Chú trọng xã hội hóa mô hình giáo dục bán trú
Mô hình trường bán trú được ngành GD-ĐT coi là giải pháp hiệu quả trong công tác duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục. Với mô hình này, học sinh được ở lại trường từ thứ hai đến thứ sáu, được nuôi dạy theo chế độ như học sinh nội trú nên nhiều địa phương mong muốn áp dụng.
Mang Yang là địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác duy trì sĩ số học sinh. Năm học 2018-2019, để tạo thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện đến trường, Phòng GD-ĐT huyện áp dụng mô hình xã hội hóa giáo dục bán trú.
Chọn xã Đak Jơ Ta (xã vùng khó của huyện với 100% học sinh dân tộc thiểu số) để thí điểm mô hình này, ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng GD-ĐT huyện-kỳ vọng: “Sự chung tay của cộng đồng là chìa khóa làm nên thành công.
Trong năm học này, chúng tôi chỉ mới có điều kiện nuôi ăn-ở-học tập cho vài chục học sinh khó khăn nhất của xã nhưng tôi tin là mô hình sẽ phát triển và thành công. Mục tiêu của chúng tôi là duy trì và mở rộng mô hình này tại những vùng đông học sinh dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại khó khăn để làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, làm cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc”.
Phát triển mô hình học tập bán trú theo hướng xã hội hóa cũng là mục tiêu của ngành GD-ĐT huyện Kông Chro để tạo thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số đến trường. “Nhiều xã của huyện không đủ tiêu chuẩn về số học sinh, khoảng cách giữa các thôn, làng... để chuyển đổi mô hình bán trú theo chế độ của Nhà nước. Toàn huyện hiện chỉ có 4 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú.
Do đó, xã hội hóa là cách duy nhất để mở ra mô hình giáo dục bán trú. Hiện nay, Phòng GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch để làm mô hình thí điểm. Dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện của địa phương nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc”-ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro-cho biết.
Bảo Lam