Kinh tế

Giá cả thị trường

Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp: Động lực phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 25-11, sự kiện TechDemo 2019 tiếp tục diễn ra các hoạt động: Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2019; Hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp; Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ. Các hoạt động này đều nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tư vấn, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp
Tham gia Hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đặc biệt quan tâm đến những vấn đề xoay quanh việc xây dựng nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ trong chế biến nông-lâm-thủy sản… Anh Phạm Văn Bình (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) bày tỏ: “Sáng kiến Máy phun thuốc sử dụng điện mặt trời gắn sau xe máy của tôi đã được nhiều nông dân áp dụng hiệu quả nhưng lại chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp. Vì vậy, tôi rất muốn được các chuyên gia tư vấn để cung cấp máy ra thị trường, đảm bảo quyền lợi, quyền sở hữu trí tuệ của mình. Qua buổi tư vấn, tôi được tiếp cận nhiều chính sách, cách làm giấy tờ nhanh chóng, đúng thủ tục. Tôi thấy hoạt động này rất bổ ích”.
 Các diễn giả trao đổi thông tin tại Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ. Ảnh: N.T
Các diễn giả trao đổi thông tin tại Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ. Ảnh: N.T
Còn ông Nguyễn Trình-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Tân Bình (huyện Đak Đoa) thì cho biết: “Hoạt động tư vấn doanh nghiệp rất hữu ích cho hợp tác xã của chúng tôi. Bên cạnh việc được thông tin về những cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý thì chúng tôi còn được tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, chúng tôi cũng được các chuyên gia hướng dẫn rất cụ thể về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương”.
Hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra sự kiện TechDemo 2019. Tại đây, các chuyên gia đến từ một số viện nghiên cứu, trường đại học trực tiếp tư vấn, giải đáp, hướng dẫn cho khách hàng có nhu cầu. Đối với các khách hàng không thể trực tiếp đến đây để nhờ tư vấn thì có thể gửi câu hỏi qua email và sẽ được các chuyên gia tiếp nhận, trả lời.
Bên cạnh hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp, chiều 25-11, Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ có chủ đề “Cập nhật xu hướng và nhu cầu công nghệ phục vụ phát triển bền vững” diễn ra tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai cũng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Với 2 nội dung chủ yếu gồm: cập nhật xu hướng và nhu cầu công nghệ phục vụ phát triển bền vững; chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các diễn giả đã nêu lên vai trò định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; xu hướng, nhu cầu công nghệ phục vụ phát triển bền vững của doanh nghiệp; công nghệ mới phục vụ phát triển bền vững; tiềm năng và nhu cầu ứng dụng công nghệ tại địa phương. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã trình bày về định hướng, chính sách và các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp; giải pháp hỗ trợ tài chính, hỗ trợ nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho doanh nghiệp từ góc nhìn của các tổ chức quốc tế... Đồng thời, tại diễn đàn, các diễn giả còn tập trung trao đổi những công nghệ mới có tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam, đặc biệt là công nghệ phát triển bền vững; đóng góp ý kiến để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm đẩy mạnh phổ biến hoạt động đổi mới công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Chuyển giao công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, sáng 25-11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2019.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng: Thời gian gần đây, có một số doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… có xu hướng đầu tư vào nước ta, tạo ra dòng chảy công nghệ của các nước về Việt Nam. Đây là điều các địa phương cần quan tâm để tiếp nhận, chuyển giao các dự án đầu tư, trong đó có công nghệ. Song các công nghệ đó phải tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng… Do đó, các Sở KH-CN cần nắm vững, tham mưu giúp UBND các tỉnh, thành phố nhằm tránh tiếp nhận các công nghệ lạc hậu lọt về qua các dự án đầu tư, để Việt Nam không trở thành “bãi rác công nghệ”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà cho rằng: Thời gian qua, nhiều trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở các địa phương đã mạnh dạn tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ. Đồng thời là cầu nối quan trọng tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các trung tâm vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua. Đặc biệt là cơ cấu, tổ chức, bộ máy hoạt động của trung tâm chưa được đồng bộ, thống nhất trong tình hình mới. Hoạt động liên kết giữa trung tâm với các viện, trường, doanh nghiệp chưa nhiều; việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu và liên kết theo chuỗi giá trị chưa cao; trình độ đội ngũ cán bộ, viên chức chưa đồng đều, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Chính vì vậy, các giải pháp đề ra tại hội nghị lần này là rất cần thiết nhằm từng bước khắc phục khó khăn, đưa hoạt động KH-CN ngày một lan tỏa, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hay nhằm nâng cao hiệu quả liên kết chuyển giao công nghệ giữa các trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương với hợp tác xã. Nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đưa sản phẩm của trung tâm vào thị trường. Mô hình liên kết chuyển giao công nghệ giữa trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ. Giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả của các trung tâm khi thực hiện mô hình hoạt động mới.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Ninh Thuận Lê Kim Hùng băn khoăn: Tư vấn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành KH-CN ở địa phương nhưng hoạt động này tại các trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, Bộ KH-CN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhưng chưa chi tiết, rõ ràng nên khi triển khai, các trung tâm còn gặp lúng túng. Chẳng hạn như việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chuyển giao, thực hiện các dự án tại địa phương còn chung chung, chưa cụ thể. Khó khăn trong triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương dẫn đến không có nguồn thu, các trung tâm hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí sự nghiệp ít ỏi, do đó khó thu hút nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo là cần thiết nhưng phải phù hợp với từng vị trí của trung tâm, không thể đào tạo chung chung như hiện nay.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đánh giá cao ý kiến đóng góp của đại diện các trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Thứ trưởng đề nghị Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, các đơn vị của Bộ cần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến tại hội nghị. Đồng thời, mong muốn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên địa bàn. Các Sở KH-CN cần nghiên cứu và lựa chọn công nghệ phù hợp để phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương một cách bền vững.
“Quan điểm của Chính phủ, Bộ KH-CN là luôn lấy doanh nghiệp làm trung tâm nên việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong ứng dụng, chuyển giao; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp và thực hiện các dự án đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp là cần thiết. Có 2 vấn đề mà ngành KH-CN các địa phương cần lưu ý đó là việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn. Sở KH-CN các tỉnh, thành phố cần tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trước tiên bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu tại địa phương, sau đó kết nối cơ sở dữ liệu địa phương với Trung ương, tiến xa hơn đến trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT)… Đồng thời, các địa phương cần quan tâm đến công tác truy xuất hàng hóa, sản phẩm trên địa bàn. Đây là việc làm quan trọng góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa. Do đó, các địa phương cần xem xét, kết nối và thông tin với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để nhận được sự hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thời gian tới”-Thứ trưởng Bộ KH-CN nhấn mạnh.
 Quang Tấn-Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm