Kinh tế

Nông nghiệp

Nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã: Yêu cầu cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những giải pháp mà các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đề xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động là hỗ trợ cán bộ có trình độ cao về làm việc và tham gia công tác quản lý. Từ các chế độ đãi ngộ, trí thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng sẽ được tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường, thúc đẩy các HTX phát triển bền vững.

Hiệu quả từ một mô hình

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) là 1 trong 6 đơn vị được tỉnh chọn triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn. Ông Phan Văn Hoàng-Giám đốc HTX-cho hay: Trước khi có trí thức trẻ về làm việc, HTX chủ yếu tập trung vào sản xuất chứ chưa có hoạt động kinh doanh dịch vụ; phương án sản xuất kinh doanh còn đơn lẻ với quy mô nhỏ, lợi nhuận chưa cao. Bởi lẽ, phần lớn thành viên HTX đều là nông dân chính hiệu, ngay cả Ban Quản trị HTX cũng vậy.

 Hợp tác xã sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) là 1 trong 6 đơn vị được tỉnh lựa chọn thực hiện mô hình đưa trí thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc. Ảnh: Minh Triều
Hợp tác xã sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) là 1 trong 6 đơn vị được tỉnh lựa chọn thực hiện mô hình đưa trí thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc. Ảnh: Minh Triều


Theo ông Phan Văn Hoàng, chủ trương đưa trí thức trẻ về làm việc rất phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp HTX hoạt động ổn định và hiệu quả hơn. Trong đó, 1 người có trình độ đại học chuyên ngành Kế toán đã hỗ trợ đơn vị quản lý tài chính, hồ sơ, sổ sách, hóa đơn chứng từ, lập báo cáo tài chính đầy đủ hơn, việc thu chi ngày càng bài bản. Còn ở chuyên ngành Quản trị kinh doanh, 1 trí thức trẻ khác thông qua việc tiếp cận công nghệ thông tin đã từng bước giúp đơn vị quảng bá sản phẩm; xây dựng phương án, chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Đây là những nhân tố năng động, nhiệt tình, lại rành về công nghệ thông tin nên đã hỗ trợ đắc lực cho HTX trong quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Họ biết gắn kết sản xuất với việc quảng bá, xây dựng hiệu quả các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa HTX và doanh nghiệp. Từ đó, HTX ngày càng phát triển về chất lượng, quy mô, công nghệ và thị trường”-ông Hoàng khẳng định.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Hậu-Giám đốc HTX nông nghiệp dược liệu Quang Vinh (xã Sơ Pai, huyện Kbang) thì cho hay: Với sự “tiếp sức” của 1 cán bộ trẻ có chuyên ngành Kế toán, HTX hoàn thiện sổ sách giấy tờ, chi tiêu hợp lý; việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách cũng như thực hiện các chế độ báo cáo tài chính, thuế đạt kết quả cao hơn. Riêng cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học đã tiếp cận môi trường thực tế rất nhanh, hỗ trợ HTX quản lý cửa hàng thuốc, chăm sóc hiệu quả vườn cây giống, vườn dược liệu. “Phát huy trình độ chuyên môn được học, bạn trẻ này đã không ngừng sáng tạo, tìm và sử dụng các nguồn giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; đồng thời mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm”-ông Hậu nhận xét.

Tương tự, HTX cà phê Tân Nông Nguyên (thị trấn Chư Sê) cũng được chọn thí điểm đưa trí thức trẻ về làm việc. Tuy nhiên, do Giám đốc HTX đã có trình độ đại học nên đơn vị không cần tiếp nhận người mới mà vẫn được thụ hưởng chính sách trên. Ông Nguyễn Văn Hòa-Giám đốc HTX-cho hay: Bản thân ông được hỗ trợ chi trả lương từ cuối năm 2018 đến hết năm 2020. Điều này đã giúp HTX giảm một phần chi phí tiền lương để tập trung tìm hướng phát triển thị trường và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ về làm việc giúp đơn vị ngày càng hoạt động hiệu quả hơn.

Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực

Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: Toàn huyện có 16 HTX nông nghiệp với 2.165 thành viên. Trong đó, số cán bộ quản lý các HTX là 29 người (16 cán bộ có trình độ đại học). Thế nhưng, chỉ có HTX sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành được hưởng chế độ đưa cán bộ trẻ về làm việc và được hỗ trợ chi phí chi trả lương. Các trí thức trẻ đã phát huy được trình độ chuyên môn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng, xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ cho HTX. “Việc bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần nâng cao năng lực quản lý còn nhiều hạn chế tại HTX. Do vậy, chúng tôi mong tỉnh tiếp tục quan tâm nhân rộng mô hình này nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các HTX trong thời gian tới”-ông Thắm đề xuất.

 Ông Nguyễn Văn Hòa-Giám đốc HTX cà phê Tân Nông Nguyên (thị trấn Chư Sê) là một trong những trí thức trẻ có trình độ đại học thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhân lực để phát triển HTX. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Văn Hòa-Giám đốc HTX cà phê Tân Nông Nguyên (thị trấn Chư Sê) là một trong những trí thức trẻ có trình độ đại học thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhân lực để phát triển HTX. Ảnh: Nguyễn Diệp


Đánh giá về mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại HTX, ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Từ năm 2018 đến 2020, tỉnh đã thí điểm đưa 12 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 6 HTX nông nghiệp, kinh phí hỗ trợ trả lương là 1,2 tỷ đồng. Chủ trương này bước đầu đã phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX, đáp ứng được việc cung ứng các dịch vụ cho thành viên, đổi mới tổ chức quản lý, tạo động lực thúc đẩy HTX hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, nguồn nhân lực này đã giúp các HTX quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, báo cáo tài chính được tốt hơn; hỗ trợ HTX tiếp cận với công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các trí thức trẻ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT, số lượng HTX thụ hưởng chính sách thời gian qua là quá ít. Do vậy, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nhân rộng mô hình đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX; đồng thời, tăng nguồn kinh phí hỗ trợ, ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc, ưu tiên HTX nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, các ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó có việc hỗ trợ người tốt nghiệp đại học trở lên về làm việc ở HTX nông nghiệp, thời hạn tối đa không quá 36 tháng.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku) sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP. Ảnh Nguyễn Diệp.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku) sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp


Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX, ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho hay: Toàn tỉnh có 330 HTX với hơn 17.768 thành viên. Trong đó, số lượng cán bộ quản lý là 926 người nhưng trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 32,4%. Đa số nhân sự quản lý HTX đều lớn tuổi, thậm chí đã hết tuổi lao động, chưa qua đào tạo nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành. Những hạn chế về trình độ, năng lực của người đứng đầu khiến nhiều HTX gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như xây dựng chuỗi giá trị trong thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các trung tâm, trường đào tạo tổ chức được 41 lớp bồi dưỡng cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý và ban kiểm soát HTX về kiến thức, nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực HTX như: lập phương án sản xuất kinh doanh, kế toán thực hành trong HTX, quản trị nhân sự, quản trị sản xuất với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng; giới thiệu HTX cử người đi đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng; tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại một số HTX ở các tỉnh…

“Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã đáp ứng được một phần yêu cầu tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, lập kế hoạch, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm… từng bước áp dụng được yêu cầu thực tiễn vận dụng các kỹ năng trong quá trình tổ chức hoạt động. Do vậy, tỉnh cần tiếp tục phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đề nghị.

 

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm