Qua gần một tháng triển khai thực hiện, Nghị định đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đánh giá cao của dư luận xã hội, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp trong cộng đồng.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, cả nước đã xảy ra 23.484 vụ tai nạn giao thông, làm 10.944 người chết và 17.342 người bị thương. So với năm 2023, số vụ tai nạn giao thông năm 2024 tăng 0,7%; số người chết giảm 7,7% và số người bị thương tăng 4,2%.
Bình quân mỗi ngày, cả nước xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm 30 người chết và 47 người bị thương. Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc không chấp hành quy tắc giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ngày 26/12/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2024/ NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (sau đây gọi là Nghị định 168).
Điểm mới, đáng chú ý của Nghị định 168 đó là tập trung xử lý nghiêm đối với các hành vi lỗi cố ý, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của người tham gia giao thông và là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua như: Không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ; đi ngược chiều; đi vào đường cấm, khu vực cấm; lùi xe, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc; chạy xe lạng lách, đánh võng; rải vật sắc nhọn…
Cụ thể, Nghị định 168 quy định nâng mức tiền xử phạt với các hành vi vi phạm; trừ điểm giấy phép lái xe với các lỗi vi phạm cụ thể; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe với các hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Thí dụ, đối với người điều khiển ô-tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt tiền được nâng từ 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng. Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3-30 lần so với mức phạt theo quy định cũ.
Thực tế thời gian qua, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật, cũng như xử phạt các hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ đã được triển khai, tuy nhiên do quy định xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe nên dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất cần có chế tài đủ mạnh buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ nếu không muốn bị thiệt hại về kinh tế.
Cần nhấn mạnh việc tăng nặng mức xử phạt nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong cộng đồng, từ đó từng bước giảm tai nạn, ùn tắc, góp phần giữ vững trật tự an toàn giao thông. Kết quả nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho thấy, khi áp dụng biện pháp cứng rắn, tỷ lệ người vi phạm giao thông có thể giảm tới 65-90%.
Trong thời gian đầu triển khai, các điểm mới của Nghị định 168, nhất là việc tăng mạnh mức phạt hành chính đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Điểm tích cực là ý thức người tham gia giao thông từng bước được cải thiện. Nhiều người có thói quen vượt đèn đỏ cho biết đã thực hiện nghiêm túc tín hiệu đèn giao thông.
Trật tự giao thông tại các đô thị lớn có sự chuyển biến tích cực. Tiêu biểu như tại Hà Nội, những điểm nút giao thông trọng điểm, trước đây thường xuyên xảy ra ùn tắc, thậm chí mất kiểm soát do người tham gia giao thông cố tình vượt khi đã có tín hiệu đèn đỏ như Lê Văn Lương, Thái Hà, Láng Hạ, đường Láng, Nguyễn Trãi… nay đã có sự cải thiện rõ rệt. Người dân đã tự giác dừng xe khi có đèn đỏ, kể cả khi không có mặt cảnh sát giao thông.
Thậm chí với những cá nhân có biểu hiện lấn làn, đè vạch, đi lên vỉa hè cũng được chính những người tham gia giao thông nhắc nhở. Dư luận xã hội đánh giá cao sự cần thiết của việc ban hành Nghị định 168 để bảo đảm tính răn đe và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông trong xã hội. Bởi nếu các cá nhân đều chấp hành nghiêm các quy tắc giao thông thì sẽ tạo môi trường giao thông an toàn.
Việc tăng mạnh mức phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm giao thông cũng khiến một số người băn khoăn về số tiền phạt khá lớn so với mức thu nhập hằng tháng của người lao động. Nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ mỗi cá nhân đều có ý thức tuân thủ pháp luật, đi đúng phần đường, không phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ,… thì sẽ không bị xử phạt.
Chỉ những trường hợp cố tình vi phạm, coi thường pháp luật mới cần kiểm điểm bản thân, tự giác điều chỉnh hành vi nếu không muốn gánh chịu hậu quả. Từ đây cho thấy việc tăng mức phạt có thể coi là biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu, góp phần giữ gìn kỷ luật giao thông. Mặt khác, các khoản tiền phạt vi phạm được nộp vào ngân sách nhà nước và được sử dụng theo đúng quy định pháp luật. Việc trích phần trăm số tiền xử phạt cho một số lực lượng là nhằm cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Thế nhưng các thế lực thù địch đã khai thác những ý kiến trái chiều về Nghị định 168 để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Điển hình như tổ chức khủng bố Việt tân thể hiện bằng việc thường xuyên đăng tải những nội dung xuyên tạc, bôi nhọ Nghị định 168.
Cụ thể, tổ chức này tung tin bịa đặt trắng trợn rằng việc tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông là “hút máu dân”; cố tình vu cáo Nghị định khiến “nhiều người dân sẽ rơi vào cảnh túng quẫn chỉ sau một lần lỡ vi phạm giao thông”, kích động gây chia rẽ người dân với chính quyền bằng những luận điệu quy kết “Đảng cộng sản chống tham nhũng thì “nhân văn”, còn ứng xử với dân thì tàn nhẫn”; xuyên tạc mức phạt cao sẽ nảy sinh tiêu cực giữa người vi phạm và cảnh sát giao thông.
Không những thế, các đối tượng còn lợi dụng việc một số cột đèn giao thông bị lỗi, biển báo còn bất cập để tuyên truyền sai sự thật rằng, đây là chiêu trò của công an để “giăng bẫy thu tiền dân”, đẩy người dân vào tình thế vi phạm.
Trước nhu cầu đi lại cuối năm của người dân tăng cao khiến giao thông tại các thành phố lớn luôn đông đúc, các đối tượng lập tức bóp méo, quy kết việc thực hiện Nghị định 168 làm gia tăng ùn tắc.
Phải chăng các đối tượng đang muốn cổ xúy người dân mạnh ai nấy đi, kích động người dân vi phạm quy định của pháp luật khiến giao thông hỗn loạn, tai nạn gia tăng?
Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch còn xuyên tạc việc tước giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện vi phạm là vi phạm nhân quyền, ảnh hưởng đến
quyền sống và quyền mưu sinh của người dân, bất chấp thực tế việc nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng biện pháp này. Họ còn xuyên tạc việc huy động người dân giám sát, phản ánh những thông tin vi phạm đến cơ quan chức năng là chính quyền khuyến khích “đấu tố”, “thanh trừng” trong xã hội, trong khi đây là việc người dân phát huy quyền làm chủ và thể hiện trách nhiệm công dân để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh hơn.
Thế nhưng các đối tượng vẫn cố tình chỉ trích chế độ, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, cho rằng “độc tài Đảng trị thì cư xử như vậy với dân” để kích động mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan thực thi pháp luật, yêu cầu Nhà nước bãi bỏ Nghị định 168. Rõ ràng, những luận điệu này nhằm kích động người dân chống đối chính quyền, gây bất ổn xã hội.
Cần thấy rằng, một quy định mới được ban hành và triển khai trên thực tiễn sẽ có khoảng thời gian ban đầu tạo xáo trộn về thói quen của nhiều người, có thể làm nảy sinh tâm tư trong dư luận xã hội. Như trước đây, quy định bắt buộc người điều khiển xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông từng bị một số người chỉ trích, công kích nặng nề. Nhưng sau một thời gian thực hiện, người dân đã ý thức được quy định này là cách để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình nên tự giác tuân thủ chấp hành và đến nay đã trở thành việc làm tất yếu của người tham gia giao thông. Bởi vậy, những ý kiến bày tỏ băn khoăn về Nghị định 168 cũng là điều hết sức bình thường. Người dân sẽ cần thời gian làm quen, từng bước thay đổi nhận thức và hành vi.
Đồng thời, một thực tế không thể phủ nhận đó là sự coi thường các quy định pháp luật khi tham gia giao thông ở một bộ phận người dân đã để lại những hệ lụy lớn đến trật tự an toàn xã hội, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán, tan cửa, nát nhà. Do đó, việc ban hành Nghị định 168 với những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc hơn là cần thiết để góp phần thiết lập nếp sống giao thông văn minh.
Trong thời gian tới, để bảo đảm Nghị định phát huy hiệu lực, hiệu quả, công tác tuyên truyền phổ biến đến các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với các đối tượng khác nhau, chú trọng khai thác các lợi thế của mạng xã hội. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần cải thiện hạ tầng giao thông, phát triển mạng lưới giao thông công cộng giúp giảm áp lực của các phương tiện cá nhân.
Những bất cập trong các biển báo giao thông gây khó khăn cho người dân cần được sớm khắc phục. Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, đơn vị này đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu.
Tại các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã nhanh chóng lắp đặt, điều chỉnh các biển báo cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, trong quá trình lập biên bản xử phạt, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của người điều khiển xe, cho xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó để bảo đảm việc xử phạt minh bạch, đúng quy định.
Cùng những quy định chặt chẽ của pháp luật, việc nâng cao ý thức của người dân, sự tin tưởng của người dân với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là chìa khóa quan trọng để một chính sách phát huy hiệu quả trên thực tiễn.
Người dân có quyền đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng để góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật. Song mỗi cá nhân cũng cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc sai sự thật của các đối tượng chống phá, cực đoan, không để bản thân bị tác động dẫn đến những hành động, phát ngôn tiêu cực, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo THÀNH SƠN (NDO)