Bạn đọc

Nâng cấp hệ thống cầu dân sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do thời gian xây dựng đã lâu nên hàng chục cây cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh đang bị hư hỏng và xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trước thực trạng đó, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung nguồn lực từng bước thay thế những cây cầu dân sinh xuống cấp, dần hoàn thiện mạng lưới giao thông.

Cầu treo Ia Grăng bắc qua suối Ia Grăng là con đường duy nhất nối liền xã Ia Tô và xã Ia Grăng (huyện Ia Grai). Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên cầu, nhiều thanh gỗ đà đỡ, ván mặt cầu bị xô lệch và mục gãy, gây mất an toàn cho người dân khi đi lại. Dù vậy, hàng ngày, người dân 2 xã Ia Tô và Ia Grăng vẫn phải bất chấp nguy hiểm khi qua lại và vận chuyển hàng nông sản qua cây cầu này.

 

Người dân không khỏi lo lắng khi lưu thông qua cầu treo Ia Grăng. Ảnh: L.A
Người dân không khỏi lo lắng khi lưu thông qua cầu treo Ia Grăng. Ảnh: L.A

Ông Nguyễn Hùng (thôn 3, xã Ia Tô) cho biết: “Cây cầu này xây dựng đã lâu nên xuống cấp rồi, mùa khô việc đi lại còn tạm ổn chứ vào mùa mưa thì tấm sắt lót mặt cầu trơn như đổ nhớt, rất nguy hiểm. Tháng trước, một người dân ở làng Chăm (xã Ia Tô) khi đi qua cầu đã bị trượt chân lọt vào thành cầu, gây chấn thương nặng”.

Ngoài cầu treo Ia Grăng, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục cây cầu dân sinh đang xuống cấp cần được làm mới hoặc sửa chữa. Hàng năm, Sở Giao thông-Vận tải đều phối hợp cùng các địa phương rà soát, đánh giá lại tình trạng hệ thống cầu dân sinh để đề xuất đầu tư sửa chữa hoặc xây mới. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 180 cầu dân sinh, trong số này có 35 cầu treo. Trước tình trạng nhiều cây cầu hư hỏng, xuống cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại. Tuy nhiên, việc sửa chữa chỉ mang giải pháp tình thế, còn về lâu về dài cần có một giải pháp căn cơ, đồng bộ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc đi lại của người dân, nhất là trong mùa mưa bão.

Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, cho biết: Qua khảo sát, các cầu được đầu tư xây dựng trước đây đều ở vị trí xung yếu. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên các cây cầu này đều có thiết kế tải trọng nhỏ, khi đưa vào khai thác sử dụng đều vượt quá mức cho phép.  Đây là vấn đề bất cập làm ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như đảm bảo an toàn cho cầu. Trong những năm qua, tỉnh đã rất quan tâm tìm nguồn vốn đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các cầu dân sinh nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và bước đầu đã xây mới được một số cầu ở những nơi cấp thiết.

Theo tìm hiểu của P.V,  sau khi Bộ Giao thông-Vận tải có Quyết định 622/QĐ-BGTVT ngày 2-3-2016 về việc phê duyệt dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương giai đoạn 2016-2021, qua khảo sát đánh giá các tiêu chí theo Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19-9-2013 của Ủy ban Dân tộc thì các cầu được đầu tư thuộc thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III và miền núi giai đoạn 2012-2015. Trong đó, ưu tiên đối với 63 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ. Theo các tiêu chí được đưa ra, qua đề xuất của UBND tỉnh thì hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 85 cầu dân sinh thuộc dự án này. Khi hoàn thành, những cây cầu mới sẽ dần thay thế số cầu hư hỏng, xuống cấp, giúp người dân tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh thuận tiện trong việc đi lại cũng như thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm