Phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dễ dàng chứ không nên sửa đổi những vấn đề chưa đánh giá tác động
Ngày 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì soạn thảo.
Hầu hết các hộ kinh doanh đều chưa muốn “lên” doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo luật đã bổ sung chương VIIa, quy định về nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh. Theo đó, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp (DN) khác nhằm bảo đảm sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
Dự luật cũng quy định rõ địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký), bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện.
Chủ trì thẩm tra dự án Luật DN sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh đánh giá sự cần thiết trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý trong dự luật đối với hộ kinh doanh vì đây là đối tượng cần sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, BHXH, môi trường...) của hộ kinh doanh.
Tổng Thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận thực tế nhiều hộ kinh doanh không muốn thành DN và cho rằng "không nên vội". "Lên DN tính thuế rất phức tạp, hộ kinh doanh lại không có kế toán. Có gian nhà con con mấy chục mét vuông thì kinh doanh đơn giản thôi, lên DN rồi tiếp thanh tra, kiểm tra cũng "chết". Không ai mong muốn điều này cả" - ông Nguyễn Hạnh Phúc lo ngại và cho rằng đưa hộ kinh doanh vào luật thì đương nhiên coi họ như DN. Do đó, phải có đánh giá tác động khi áp dụng như dự luật, không thể vội vàng.
Chốt lại, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự luật là vấn đề lớn nhưng lại chưa có đánh giá tác động đầy đủ. "Quan điểm là vấn đề nào đã rõ, đã "chín" mới bổ sung, nếu không thì chỉ sửa những vấn đề bất cập để phát triển DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dễ dàng..." - Chủ tịch QH nhấn mạnh và lưu ý việc sửa luật phải trả lời được câu hỏi lớn nhất là "có giải quyết được bất cập hiện nay hay không?"; đồng thời phải bảo đảm không ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đề nghị cấm dịch vụ đòi nợ Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Đáng chú ý, dự thảo luật bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan; trong đó bổ sung ngành "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng dự luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác. "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, theo tờ trình là có phát sinh phức tạp, tôi biết có nhiều địa phương muốn cấm. Tôi chưa nói nên cấm hay không nhưng trước hết phải xem lại, đánh giá kỹ các vụ việc phức tạp ở các địa phương" - bà Lê Thị Nga góp ý. |
Bảo Trân (NLĐO)