Phóng sự - Ký sự

Nặng lòng với trẻ em vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trung tá Tâm và nhóm bạn đã tự nguyện xây dựng thư viện cộng đồng và nhận đỡ đầu những đứa trẻ mồ côi, giúp đỡ và rèn luyện kỹ năng sống cho các em.

Không ai trả lương, cũng chẳng ai bắt làm, nhưng vì nặng lòng với trẻ em vùng khó khăn, nhóm những người thiện nguyện ở Đăk Tờ Re tự nguyện gom góp xây dựng “Thư viện ước mơ” và nhận đỡ đầu những đứa trẻ mồ côi, để giúp đỡ và rèn luyện kỹ năng sống cho các em bằng cả tấm lòng và tình yêu thương.

Tự nguyện xây dựng “Thư viện ước mơ”

Đăk Tờ Re là xã vùng khó của huyện Kon Rẫy, Kon Tum với hơn 90% dân số là đồng bào DTTS. Mặc dù đã được công nhận là xã nông thôn mới nhưng so với các xã khác, Đăk Tờ Re vẫn còn nhiều khó khăn. Đời sống người dân mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng trên địa bàn vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, vì nhiều lý do như gặp hoạn nạn, thiên tai, đau ốm. Vì vậy, một số trẻ em chưa được gia đình quan tâm đến việc học hành, chúng thiếu những kỹ năng sống…

Xuất phát từ thực tế đó, Trung tá Trịnh Thành Tâm-hiện đang công tác tại Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh), nguyên Trưởng Công an xã Đăk Tờ Re đã cùng với những cán bộ công an xã, dân quân tự vệ, thanh niên và một số người khác đã nảy ra ý định xây dựng thư viện cộng đồng nhằm giúp trẻ em trên địa bàn rèn luyện kỹ năng và có điều kiện học tập, nuôi mơ ước cho tương lai.

nang-long-voi-tre-em-vung-kho-dd.jpg
Thư viện được đặt tại thôn Đăk Ơ Nglăng. Ảnh: HN

“Trẻ em người DTTS ở đây còn rất nhiều thiếu thốn. Hằng ngày, các em thường theo cha mẹ lên rẫy, bỏ bê việc học. Do đó, tôi muốn mở các thư viện để hút các em đến đây, vừa đọc sách, vừa được vui chơi và dạy kỹ năng sống”- Trung tá Tâm chia sẻ.

Để hiện thực hóa, anh Tâm cùng những người bạn đã tự nguyện góp tiền mua sách vở, đồng thời, vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh ủng hộ. Cứ thế, Trung tá Tâm và những người bạn đã đi “gõ cửa” khắp nơi để vận động ủng hộ cho thư viện được phong phú và đa dạng các loại sách. Năm 2018, anh và bạn bè đã thực hiện ước mơ khi mở thư viện đầu tiên tại thôn Kon HDầm với kinh phí khoảng 25 triệu đồng với hàng nghìn đầu sách các loại.

Khi mở thành công thư viện đầu tiên, thấy việc học sinh DTTS ở đây hào hứng và thích thú khi được mượn sách báo miễn phí, được tìm hiểu đọc nhiều sách, báo giúp nâng cao kiến thức, rèn kỹ năng sống, Trung tá Tâm và nhóm bạn mê thiện nguyện tiếp tục vận động mạnh thường quân mở được 4 thư viện cộng đồng tại 4 thôn trên địa bàn.

Sau hơn 7 năm gắn bó thôn làng, Trung tá Tâm và những người bạn đã mở thành công 4 thư viện sách cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đăk Tờ Re. Hiện nay, thư viện của anh Tâm và những người bạn đã có đến hơn 2.000 đầu sách, báo các loại.

Với Trung tá Tâm, ngay từ ngày đầu đi cơ sở, anh không ngại nắng mưa, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. “Tâm nguyện lớn nhất khi xuống cơ sở của tôi đến nay cũng được thực hiện với 4 thư viện sách cho trẻ em nghèo. Tôi cũng mong muốn có được nhiều người hảo tâm cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ cho trẻ em nghèo, góp phần sẻ chia những khó khăn, giúp các cháu tiếp tục được học tập, vươn lên như bao đứa trẻ khác”- Trung tá Tâm chia sẻ.

ps2.jpg
Thư viện hiện do chị Chính quản lý, mở cửa để phục vụ các em. Ảnh: P.N

Với những việc làm đầy nghĩa tình, cảm nhận được tấm chân tình của Trung tá Tâm và những người bạn, một người dân ở thôn Đăk Ơ Nglăng đã cho mượn luôn cả căn nhà nằm sát nhà rông của thôn để nhóm tình nguyện của Trung tá Tâm làm “Thư viện ước mơ”. Hiện nay, thư viện do chị Bùi Thị Chính- cán bộ văn hóa xã hội của xã Đăk Tờ Re, cùng nhóm với anh Tâm quản lý, bảo quản và gìn giữ.

Chị Chính kể, thư viện hiện có hơn 2.000 đầu sách các loại. Các đầu sách sẽ được bố trí luân chuyển giữa các thôn để giúp các em được tiếp cận với nhiều loại sách khác nhau. Hiện nay, thư viện chủ yếu hoạt động vào ban đêm và những ngày cuối tuần. Bởi ban ngày chị bận công việc, còn các cháu học sinh thì đi học nên thư viện đóng cửa. Những ngày cuối tuần, trẻ em trên địa bàn đến đây rất đông và thích thú.

“Các em đến đây không chỉ được mượn sách vở, đọc sách miễn phí mà còn được anh em trong nhóm hướng dẫn, trao đổi, rèn kỹ năng sống, giúp cho các cháu mạnh dạn hơn. Đặc biệt, thư viện hoạt động mạnh nhất vào dịp hè. Bởi dịp hè, chúng tôi liên kết với một số sinh viên đại học trong nước trực tiếp đến đây hướng dẫn các cháu học tập; tổ chức các trò chơi lành mạnh, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống đuối nước và tránh xa những tệ nạn xã hội trên không gian mạng. Từ đó, giúp các em rèn kỹ năng, nâng cao kiến thức để trưởng thành hơn”- chị Chính cho biết.

Em Y Minh- học sinh lớp 7, Trường THCS Đăk Tờ Re chia sẻ: Từ khi có thư viện, em được tiếp cận, tham khảo nhiều loại tài liệu giúp ích cho việc học tập. Đến thư viện, các cô, các chú rất nhiệt tình hướng dẫn và chỉ bảo cho chúng em nhiều điều trong cuộc sống.

Đỡ đầu giúp đỡ những trẻ mồ côi

Không chỉ tự nguyện xây dựng “Thư viện ước mơ” miễn phí cho trẻ em vùng cao Đăk Tờ Re mà nhóm của Trung tá Tâm còn làm một việc đầy ý nghĩa và nhân văn là nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng hàng chục trẻ em mồ côi, trẻ em cơ nhỡ, khó khăn khác.

Về Đăk Tờ Re vào một ngày cuối tuần của tháng 11, chúng tôi gặp Trung tá Tâm mới đi công tác ở Kon Plông về tranh thủ ghé vào thư viện để thăm các cháu và bà con thôn Đăk Ơ Nglnăng. Tại đây, chúng tôi được nghe bà con, đặc biệt là trẻ em bày tỏ sự quý mến và gọi anh bằng cái tên thân thương, dễ gần là “bố Tâm”. Những đứa trẻ cứ vây quanh anh bày tỏ niềm vui mừng như người cha xa nhà lâu ngày.

Nhắc đến câu chuyện nhận con nuôi, đến giờ Trung tá Tâm vẫn còn ngỡ ngàng vì bỗng dưng có hai đứa con. Anh kể: Cách đây gần 7 năm, trong một lần xuống làng nắm tình hình, thấy bà con xúm xít lại bàn bạc mình cũng đến xem. Ai ngờ, già làng dẫn ra hai đứa nhỏ (đứa lớn 2 tuổi, nhỏ 9 tháng), khẩn thiết nhờ “làm bố” cho hai đứa trẻ. Biết được hoàn cảnh của hai cháu đáng thương nên anh đồng ý nhận nuôi. Sau nhận nuôi, anh tất bật lo làm giấy khai sinh cho hai đứa nhỏ.

nang-long-voi-tre-em-vung-kho-dddd.jpg
Anh Tâm bên những đứa trẻ khi đang công tác tại xã Đăk Tờ Re. Ảnh: P.N

“Chuyện nhận con cũng là cái duyên, tôi cũng mừng vì đã giúp đỡ được cho các cháu. Tâm mình thì lớn nhưng sức có hạn, nên tôi cũng mong muốn có được nhiều người hảo tâm cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ cho trẻ em nghèo ở vùng cao này”- Trung tá Tâm chia sẻ.

Hiện nay, nhóm của Trung tá Tâm đang tiếp tục nhận nuôi hai trẻ là A Trí học lớp 6 và Y Truyền đang học lớp 3. Hai em này mồ côi, hiện đang ở cùng bà ngoại, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy, hàng tháng, nhóm Trung tá Tâm hỗ trợ cho gia đình 2 triệu đồng đế giúp các cháu có điều kiện học tập.

Ngoài nhận nuôi 2 đứa trẻ, nhóm của anh Tâm còn nhận đỡ đầu cho hơn chục đứa trẻ khác trên địa bàn. Mỗi tháng, ngoài hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các anh còn hỗ trợ sách vở, giấy bút và 500.000 đồng cho các cháu cơ nhỡ. Những cháu quá khó khăn, không có ai nuôi nấng, chăm sóc, nhóm anh Tâm kết nối, đã gửi về cơ sở bảo trợ xã hội để được nuôi dạy tốt hơn. Nhiều đứa trẻ được nhóm của Trung tá Tâm giúp đỡ có cơ hội được đến trường, được học tập, nuôi ước mơ cho tương lai.

Dù cuộc sống không khá giả nhưng với tấm lòng chân thành và tình thương bao la, anh Tâm cùng những người bạn đã và đang góp phần nuôi những ước mơ tương tai cho trẻ em vùng cao. Những việc làm của Trung tá Tâm và những người bạn của anh thật trân quý, đầy tình người, đáng để chúng ta học tập và làm theo.

Hơn 7 năm bám làng và 4 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Ba Na", Trung tá Tâm đã thầm lặng “kiến tạo” hình ảnh chiến sĩ công an thật bình dị nhưng cao quý. Năm 2022, Trung tá Tâm (khi ấy đang là Trưởng công an xã tiêu biểu ở tỉnh ta) vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.

Theo Phúc Nguyên (Báo Kon Tum)

Có thể bạn quan tâm