(GLO)- Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể ở Gia Lai đã có sản phẩm được chứng nhận đạt 3-4 sao OCOP cấp tỉnh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng tầm và đưa sản phẩm OCOP ra thị trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trao đổi với PGS-TS, Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Ơn-Cố vấn Chương trình OCOP quốc gia.
* P.V:Theo ông, Gia Lai có những tiềm năng và lợi thế nào để triển khai thực hiện Chương trình OCOP?
- Ông TRẦN VĂN ƠN: Gia Lai có tiềm năng rất lớn để thực hiện Chương trình OCOP. Qua hơn 2 năm triển khai Chương trình OCOP, Gia Lai đã có rất nhiều sản phẩm đặc trưng. Riêng năm 2019, toàn tỉnh có 42 sản phẩm được chứng nhận đạt 3-4 sao OCOP cấp tỉnh.
Tôi tin rằng, thời gian tới, Gia Lai sẽ có thêm nhiều sản phẩm đăng ký tham gia OCOP. Riêng đối với những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP cấp tỉnh như: tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí, thịt bò khô Huy Vũ, khoai lang Lệ Cần đóng túi lưới… thì các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện để nâng cao giá trị.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Ơn bên các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện Đak Đoa. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Hiện nay, Chương trình OCOP ở Gia Lai đang trong giai đoạn đầu tiên. Vì vậy, sản phẩm OCOP chưa được nâng tầm và khả năng tiếp cận thị trường chưa cao. Đặc biệt, người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp ở Gia Lai mới chỉ quen sản xuất chứ chưa chú trọng đến khâu tiếp thị bán hàng, phần lớn trông chờ thương lái đến thu mua. Bên cạnh đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân còn thiếu vốn đầu tư sản phẩm nên mới chỉ dừng lại ở sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chưa có sản phẩm được chứng nhận cấp quốc gia.
* P.V: Theo ông, Gia Lai cần làm gì để nâng tầm sản phẩm OCOP?
- Ông TRẦN VĂN ƠN: Ở giai đoạn 2 (2021-2025), Chương trình OCOP sẽ đi vào chiều sâu. Theo đó, địa phương nên tiếp tục hỗ trợ nâng cấp hoàn thiện để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm này. Đồng thời, triển khai một số hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; giới thiệu sản phẩm ra các thị trường thông qua hội chợ triển lãm, phiên chợ nông sản an toàn, lễ hội… để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản phẩm mới.
Sản phẩm OCOP cấp quốc gia phải áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, bán hàng, quản trị chất lượng. Theo đó, muốn nâng tầm chất lượng sản phẩm, chúng ta phải chú ý những sản phẩm đã đăng ký và gắn sao từ năm trước, nhất là sản phẩm 4 sao, tiếp tục quản lý chất lượng tiên tiến đạt chất lượng như: Organic, GlobalGAP, ISO; bán hàng công nghệ mới, quản trị công nghệ mới và chú trọng xuất khẩu. Khi đạt được đẳng cấp 5 sao từ 90 điểm trở lên, lúc đó, sản phẩm sẽ được chứng nhận cấp quốc gia.
Người dân đã bỏ vốn đầu tư để được chứng nhận OCOP cấp tỉnh đạt 3-4 sao. Vì vậy, họ rất cần Nhà nước hỗ trợ 3-5 năm tiếp theo. Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ vay vốn để họ tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm.
Nếu qua được chu kỳ này, họ sẽ có cơ hội để nâng tầm chất lượng sản phẩm lên đẳng cấp mới.
* P.V:Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN DIỆP (thực hiện)