NATO khẳng định không trực tiếp tham gia xung đột ở Ukraine. Ảnh: Financial Times |
Trả lời phỏng vấn tờ Repubblica của Italy, ông Stoltenberg nhấn mạnh, phía Ukraine không yêu cầu liên minh triển khai quân mà yêu cầu tăng cường hỗ trợ, đạn dược và pháo tấn công. Liên minh này cũng không có kế hoạch trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Trước đó một ngày, tờ báo Corriere della Sera của Italy dẫn một tài liệu cho biết, Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ở Washington từ ngày 9-11/7, có thể thông qua tuyên bố từ bỏ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh dự kiến cũng sẽ chuyển giao chức chủ tịch Nhóm liên lạc về quốc phòng Ukraine từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho Bộ chỉ huy NATO ở Brussels (Bỉ) và lưu ý rằng, chiến lược ở Ukraine do Mỹ chuyển giao sẽ không thay đổi, song "hướng đi” chuẩn bị thay đổi.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hứa hẹn, hội nghị thượng đỉnh của NATO năm 2024 sẽ là hội nghị “tham vọng nhất” kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi xem liệu tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO có đạt được thỏa thuận về việc kết nạp Ukraine hay không.
Tuy nhiên, hồi tháng 4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo ở Kiev rằng, ông không mong đợi đạt được thỏa thuận về việc Ukraine gia nhập liên minh tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Trước đó, Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định NATO không phải là một phần của cuộc xung đột tại Ukraine và cũng không muốn chiến tranh với Nga. Nhà lãnh đạo NATO cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine và tham gia tiến trình ngoại giao.
Tương tự, tờ Washington Post cho biết Mỹ cũng cam kết trợ hỗ trợ Ukraine, song loại trừ khả năng NATO có thể thiết lập vùng cấm bay tại nước này. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định quan điểm rõ ràng rằng nước Mỹ sẽ không tham gia vào một cuộc chiến tranh với Nga.