Thời sự - Bình luận

Nên siết hay nới room tín dụng?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Năm 2022, định hướng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) được NH Nhà nước đưa ra là 14%.

Việc giao chỉ tiêu tín dụng không cứng nhắc và được thể hiện rất rõ ngay trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong năm 2022. Hiện tại, dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá lớn (trong 4 tháng cuối năm còn khoảng 4,4%, tương đương 500.000 tỉ đồng).

Thực tế, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam luôn cao hơn so với tăng trưởng GDP cho thấy nền kinh tế thâm dụng vốn khá cao. Đặc biệt, hiện các nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế có những hạn chế và tập trung vào hệ thống NH, nên việc bị hạn chế room tín dụng có thể dẫn đến những diễn biến không tốt.

Do đó, việc phân bổ dần dần hạn mức tín dụng ngay trong quý III và tiếp tục sang quý IV/2022 sẽ giúp hoạt động của các NH và doanh nghiệp vận hành nhịp nhàng, hài hòa trong tổng thể cùng với các yêu cầu về an toàn vốn. Thậm chí, việc nới room tín dụng có thể giúp NH thương mại thu hẹp khoảng cách giữa huy động và cho vay, bởi dòng tiền tiết kiệm sẽ không phải sử dụng đến khi nguồn tiền vay đã sẵn sàng.

Cụ thể, NH nào có "thể chất" tốt hơn, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống và chủ trương của Chính phủ sẽ được ưu tiên nới room tín dụng.

Cần thống nhất quan điểm, việc nới room tín dụng chỉ nên ưu tiên cho các NH tập trung cho vay 5 lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ như sản xuất, dịch vụ, nhất là các ngành kinh doanh trọng điểm bao gồm thương mại, xuất nhập khẩu, nông lâm thủy sản... Với những NH có dư nợ tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và cần tiếp tục tăng cường quản lý, cũng không hạn chế tín dụng song cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm hướng tới mục tiêu an toàn hệ thống. Nền kinh tế đang phục hồi nhưng chưa đồng đều, nên nắn dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ là mục tiêu hàng đầu.

Với những đề xuất bỏ room tín dụng, tôi cho rằng bản thân NH Nhà nước không muốn duy trì biện pháp quản lý room tín dụng, nhưng không thể phủ nhận rằng, cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng trong hơn 10 năm qua đã cho thấy phần nào tính ưu việt.

Phân tích của các chuyên gia cho thấy, lạm phát của Việt Nam đến từ yếu tố chi phí đẩy, chủ yếu là do giá xăng dầu cũng như giá nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào cho sản xuất-kinh doanh tăng cao. Việc xác định rõ lạm phát của Việt Nam hiện nay đến từ chi phí đẩy, nghĩa là không xuất phát từ yếu tố tiền tệ nhưng rủi ro trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu, nên việc NH Nhà nước chưa bỏ room tín dụng là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Bởi lúc này, nếu bỏ ngay biện pháp quản lý room tín dụng thì nguy cơ có thể dẫn đến cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng, bởi nhu cầu cần sự tăng trưởng nhanh về vốn, tín dụng sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc duy trì quản lý room tín dụng tiếp tục là giải pháp tạm thời nhưng về lâu dài, NH Nhà nước nên xem xét bỏ biện pháp này khi các tổ chức tín dụng đã đạt được chuẩn Basel II (tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế một cách đầy đủ), chỉ quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR).

TS Nguyễn Tuấn Anh
(Dẫn nguồn NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm