Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nền văn hóa đang được đánh thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong nhiều thập niên qua, hoạt động nghệ thuật và văn hóa vốn là những thứ bị cấm đoán tại Saudi Arabia. Nhưng hiện tại, việc mở cửa nền văn hóa bí ẩn là một phần trong những nỗ lực kiến tạo đất nước “hậu dầu mỏ” do Thái tử Mohammed bin Salman thúc đẩy với tham vọng đưa vương quốc Hồi giáo này trở thành một điểm đến nghệ thuật hàng đầu thế giới.

 
Tác phẩm Sorry, I forgive you của nghệ sĩ nước ngoài trưng bày tại Ithra
Tác phẩm Sorry, I forgive you của nghệ sĩ nước ngoài trưng bày tại Ithra


Sự trở về

Một xã hội cởi mở hơn là điều dễ nhận thấy ở quốc gia Hồi giáo Saudi Arabia khi hàng loạt tên tuổi lớn của nền nghệ thuật âm nhạc phương Tây như Richie, Enrique Iglesias, Andrea Bocelli được phép biểu diễn tại đất nước bảo thủ ở Trung Đông này. Những sự kiện này là nỗ lực nhằm thay đổi nhận thức trong và ngoài nước về cuộc giải phóng khỏi những truyền thống khắt khe trong xã hội, và đây chỉ là một phần nhỏ trong những thay đổi sâu rộng đang diễn ra ở Saudi Arabia khi nhà lãnh đạo đảo ngược lệnh cấm hàng thập niên, mở cửa vương quốc cho nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh và sân khấu.

Trong 4 thập niên qua, nhạc sống ở đất nước Hồi giáo này không chỉ bị cấm mà còn bị kiểm soát bởi những mutawa (cảnh sát tôn giáo) đi tuần trên mọi ngóc ngách đường phố để đột kích, bắt bớ người và tịch thu, phá hủy nhạc cụ. Thật khó tưởng tượng được đất nước Saudi Arabia có ngày hôm nay, khi âm nhạc được vang lên trên đường phố, được biểu diễn trong các đám cưới và lễ hội, phụ nữ được hát trên truyền hình. Các lễ hội âm nhạc thậm chí còn được tổ chức ở thánh địa Mecca và Medina.

Ít ai thấu hiểu sự biến đổi nhanh chóng này một cách sâu sắc hơn Fawaz Al-Shawaf, người sáng lập ban nhạc rock Creative Waste. Ông Al-Shawaf nảy sinh tình yêu với nhạc rock trong 2 năm theo cha sang làm việc ở Virginia, Mỹ, sau đó quyết định thành lập ban nhạc rock với những người bạn trong gara của mình khi trở về Saudi Arabia. Năm 2004, Creative Waste ra đời “ngầm”. Nhưng vào năm 2009, Creative Waste bị bức tử trong một cuộc đột kích của cảnh sát. Các cuộc đàn áp tiếp theo đối với Creative Waste đã buộc ông Al-Shawaf và Creative Waste phải ra nước ngoài biểu diễn, gầy dựng tên tuổi ở Mỹ và châu Âu. Nhưng hiện nay, ông Al-Shawaf đã trở thành khách danh dự của Chính phủ Saudi Arabia. Ông được mời biểu diễn tại các lễ hội do chính phủ tổ chức.

Đầu tư nghiêm túc cho nghệ thuật

Ba năm trước, Saudi Arabia đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi bỏ ra 450 triệu USD mua tác phẩm Salvator Mundi của danh họa Leonardo da Vinci nhưng sau đó lại hoàn toàn không để nó xuất hiện công khai lần nào nữa. Mãi gần đây, tờ Wall Street Journal tiết lộ tác phẩm sẽ được “ém” kỹ cho tới khi Saudi Arabia có thể xây được một bảo tàng… xứng tầm với nó. Đây là một phần trong tham vọng trị giá nhiều tỷ USD buộc đất nước Hồi giáo vốn khép kín này phải mở cửa du lịch, phát triển quan hệ với các đối tác quốc tế trong nền nghệ thuật toàn cầu.

Các cuộc triển lãm quốc tế đang đến với các thành phố của Saudi Arabia, trưng bày các tác phẩm từ siêu thực đến đương đại. Và nghệ thuật, từ cấm kỵ trở thành thời thượng, khi đột nhiên nhu cầu về lĩnh vực này tăng vọt từ hoàng gia, chính phủ và các tập đoàn kinh doanh. Trung tâm Văn hóa thế giới (King Abdulaziz Center for World Culture), còn được gọi là Ithra, được xây lên từ những bãi cát của Dhahran và khai trương vào năm 2017, bao gồm bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát và phòng trưng bày nghệ thuật đầu tiên của loại hình này trong cả nước.

Bộ Văn hóa mới đây cũng đã làm việc với Bộ Giáo dục để phát triển các khóa học giáo dục âm nhạc cho trẻ em, trường trung học và đại học trong bối cảnh khó khăn do lệnh cấm âm nhạc kéo dài hàng thập niên khiến cho Saudi Arabia không có giáo viên dạy nhạc. Theo CS Monitor, những thay đổi văn hóa mạnh mẽ này là có thật và không thể phủ nhận động lực mong muốn sản sinh ra một thế hệ người Saudi Arabia toàn diện khi đất nước, cuối cùng, cũng chuyển sang một xã hội “hậu dầu mỏ”.

Theo HẠNH CHI (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm