Du lịch

Nét mới tại Festival Huế 2016

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thay vì tổ chức kéo dài 9 hoặc 12 ngày như 8 lần tổ chức trước, Festival Huế 2016 với chủ đề “710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” chỉ diễn ra trong vòng 6 ngày (từ 29-4 đến 4-5) vẫn thu hút 18 quốc gia tham gia với 34 đoàn nghệ thuật quốc tế và trong nước biểu diễn. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và các lễ hội cộng đồng lần đầu được tổ chức sẽ góp phần tạo ra nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn đang chờ đón du khách khám phá tại Festival Huế 2016.

Rộn ràng từ phố về quê

Khắp các nẻo đường tại TP. Huế cùng các khu di tích bắt đầu tràn ngập cờ hoa băng rôn, áp phích giới thiệu chương trình lễ hội Festival Huế 2016. Tại Quảng trường Ngọ Môn, nơi diễn ra lễ khai mạc Festival Huế 2016 vào tối 29-4, Ban tổ chức đang khảo sát để dàn dựng sân khấu nghệ thuật hoành tráng với sức chứa 6.000 người. Dự kiến đêm khai mạc, khán giả được thưởng thức “đại tiệc” nghệ thuật đặc sắc tôn vinh giá trị nghệ thuật truyền thống, sự giao lưu tỏa sáng của di sản văn hóa các châu lục.

 

Các nghệ nhân làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên đang thực hiện các sản phẩm điêu khắc phục vụ Festival Huế 2016.

Xuôi dòng sông Như Ý về xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy-nơi diễn ra “Chợ quê ngày hội” trong khuôn khổ Festival Huế lần này. Giữa không gian thanh bình từ đình làng Thanh Thủy Chánh, Cầu ngói Thanh Toàn đến Phủ thờ Tôn Thất Thuyết tại xã Thủy Thanh, người dân đang trang hoàng nhà cửa, sân vườn, như chuẩn bị đón Tết. Ai cũng nghĩ đơn giản, sẽ có khoảng 5 vạn khách và cả người thân của họ ở xa về dự “Chợ quê ngày hội” nên cần tạo ấn tượng đẹp. Theo Ban tổ chức, đến với “Chợ quê ngày hội”, du khách được sống trong không khí thanh bình, ấm cúng của làng quê, pha trộn vào đó là sự hối hả, tấp nập của ngày mùa bận rộn, như đưa du khách trở về với chính quê hương mình, với chính nơi gắn với tuổi thơ mà cứ tưởng chỉ còn trong quá khứ. Đặc biệt, du khách sẽ được hòa cùng người dân bản địa làm chủ thể lễ hội khi tham gia các trò chơi bài chòi, xem đua ghe, đêm hội hoa đăng, thi hát dân ca, thi đạp nước…

Quá trưa nhưng làng, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếng búa, tiếng đục vẫn vang lên nhịp nhàng. Ông Lê Văn Trực-nghệ nhân làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên phấn khởi, tất cả các nghệ nhân trong làng được huy động để sớm hoàn thành việc lắp ráp hai nhà rường phục vụ trưng bày sản phẩm đồ gỗ tại lễ hội “Hương xưa làng cổ-Du lịch cộng đồng” lần đầu tổ chức ngay giữa làng. Trong khi, ông Trần Văn Nguyện-Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, cho biết, lễ hội “Hương xưa làng cổ-Du lịch cộng đồng” diễn ra từ ngày 30-4 đến 2-5 với 3 phần: phần lễ, phần hội và tham quan du lịch. Ngoài ra, gốm Phước Tích, tương măng Phong Mỹ, đệm bàng Phò Trạch, đan lưới Phong Bình... là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản vật quê hương được giới thiệu và bày bán tại lễ hội như góp phần vào thành công chung của Festival Huế 2016.

 

Đại nội Huế là tâm điểm tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Festival Huế 2016.

Ông Chế Công Chung-Giám đốc Trung tâm Festival Huế nhìn nhận, sự nhập cuộc hết sức hào hứng của người dân những ngày qua đã làm cho Festival Huế 2016 thật sự là ngày hội tràn ngập màu sắc âm thanh. Ðây là một kỳ vọng được nhắc đến rất nhiều ở các kỳ Festival trước và đến trước thềm Festival Huế 2016 thì nó đã hiển thị một cách rõ nét và sinh động. Tính cộng đồng là điểm nổi bật nhất của kỳ Festival này", người dân vừa là người hưởng thụ, vừa là chủ thể của lễ hội-ông Chung cho biết thêm, “Chưa bao giờ công tác xã hội hóa trong Festival Huế lại được đẩy mạnh như Festival Huế 2016. Nội dung không dàn trải, thời gian ngắn gọn nhưng “nguồn lực” xã hội hóa lại nhiều ra.

Để có được nguồn kinh phí xã hội hóa, Ban tổ chức Festival Huế 2016 đã làm việc với 20 đối tác ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 30 đơn vị trong tỉnh để vận động tài trợ. Trong số các đơn vị đã ký kết thỏa thuận tài trợ, nhiều đơn vị là nhà tài trợ truyền thống như: Vietinbank, Carlsberg Việt Nam, Vietcombank, Agribank, Mobifone, VNPT, Vietnam Airline, Vietravel... Chứng tỏ 8 kỳ Festival lần trước đã tạo ra được dấu ấn rất tốt trong lòng công chúng. Chúng tôi cố gắng làm tốt công tác quảng bá cho Festival Huế 2016, cũng là cách để làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu thương hiệu đối với các nhà tài trợ”.

 

22 đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia biểu diễn phục vụ du khách và công chúng tại Festival Huế 2016.

Nơi tỏa sáng tinh hoa văn hóa các châu lục

Hiện Festival Huế 2016 đã “lên khuôn” với thời gian diễn ra từ ngày 29-4 đến 4-5. Ngoài các chương trình trọng tâm còn có hơn 40 hoạt động văn hóa, nghệ thuật hưởng ứng; 18 quốc gia tham gia với 22 đoàn nghệ thuật quốc tế và 12 đoàn nghệ thuật trong nước biểu diễn. Đặc biệt, Festival Huế 2016 tiếp tục quy tụ các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia ở các châu lục, như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Sri Lanka, Australia, Hoa Kỳ, Mêhicô, Colombia... Những chương trình nghệ thuật trọng tâm được khẳng định, gồm: Đêm khai mạc, bế mạc; lễ Tế giao; đêm Hoàng cung; giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế; Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” các nước Đông Á-Mỹ Latinh; chương trình nghệ thuật quảng diễn đường phố L’Homme Debout Vùng Poitou-Charentes, Cộng hòa Pháp; chương  trình  âm nhạc  Trịnh  Công  Sơn; chương trình áo dài; chương trình nghệ thuật bế mạc… Ấn tượng nhất là lần đầu tại Festival Huế tổ chức một lễ hội Quảng chiếu. Đây là kết tinh tâm nguyện tha thiết của tăng ni, phật tử Thừa Thiên-Huế cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, hạnh phúc.

 

Hàng ngàn người mẫu, diễn viên trong và ngoài nước được huy động biểu diễn phục vụ các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2016.

Lễ hội thể hiện qua nghi lễ tâm linh hòa quyện biểu diễn nghệ thuật bằng vũ điệu lục cúng hoa đăng với nguồn năng lượng lan tỏa, ánh sáng từ bi và trí tuệ giải thoát của Đức Phật đến khắp không gian, những nơi tối tăm và uẩn khuất nhất của tâm thức mỗi con người, mỗi chúng sanh.

Kinh phí tổ chức gấp 4 lần so với các lễ hội Phật giáo lớn nhất từng được tổ chức trên đất Huế, điều đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tăng ni, phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sự kiện này sẽ thu hút rất nhiều tín đồ cửa Phật về chung vui… Vậy là Huế đã bước vào mùa Festival lần thứ 9. Công việc tổ chức một lễ hội văn hóa-nghệ thuật tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Festival Huế, bây giờ đã trở nên quen thuộc đối với người dân xứ Huế.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm