Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nét vẽ đầu đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thường thì các bậc phụ huynh sẽ cấm con mình vẽ lên tường, bàn ghế... Nhưng thật ra, tất cả những nét vẽ nguệch ngoạc đó đều có ý nghĩa và thông điệp riêng, là cách trẻ thể hiện suy nghĩ của mình. 
Nếu nhà có trẻ con tầm 1-4 tuổi, chắc hẳn bạn sẽ cực kỳ đau đầu khi con vẽ bất cứ đâu khi cầm được cây bút. Ngôi nhà sạch sẽ tinh tươm bỗng chốc trở nên lộn xộn và nham nhở bởi những vết bẩn, với những đường nét kỳ lạ, không ra hình dáng gì cụ thể, như một thể loại tranh trừu tượng mà nhìn mãi vẫn không hiểu gì.
Thường thì các bậc phụ huynh sẽ cấm con mình vẽ lên tường, bàn ghế... Nhưng thật ra, tất cả những nét vẽ nguệch ngoạc đó đều có ý nghĩa và thông điệp riêng, là cách trẻ thể hiện suy nghĩ của mình. 
Những nét vẽ ngây ngô ấy là cả một thế giới đầy những suy nghĩ, ước mơ, màu sắc cũng như tâm tư tình cảm của các bé. Trước tiên, trẻ sẽ vẽ theo bản năng rồi sau đó mới liên tưởng đến những gì đã thấy xung quanh để thành một câu chuyện ngộ nghĩnh mà không kém phần thú vị.
Con trai tôi năm nay 4 tuổi. Thấy con vẽ những hình tròn không đầu không cuối khắp các mảng tường trong nhà, tôi hỏi: “Sao con vẽ bậy khắp tường vậy?”. Cậu chàng trả lời: “Con đang vẽ con và em Rô chơi đuổi bắt. Em Rô ở đây, con ở đây”. Con giải thích, những hình tròn đó là 2 anh em, đường thẳng là cái cây, rồi một vài con vật khác nữa như: thỏ, mèo... Nếu cu cậu không nói, chắc tôi cũng chẳng thể nào hình dung được.
Thi thoảng, tôi có dạy năng khiếu cho một số bé tuổi mầm non. Thường thì tôi không gò các bé vẽ hình ảnh gì, như thế nào mà để trẻ tự do thể hiện ý tưởng của mình. Và đôi lúc, tôi khá ngạc nhiên về những hình ảnh của các trẻ vẽ. Đừng nghĩ trẻ không biết gì nhé! Thông qua hình vẽ, chúng ta sẽ hiểu được bé cảm nhận được tình cảm gia đình mình, bạn bè và thế giới xung quanh của trẻ dù chỉ là những nét đánh dấu và ngẫu nhiên của mình. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Qua theo dõi, tôi nhận thấy, cá tính của trẻ sẽ được biểu hiện thông qua những hình vẽ và màu sắc thể hiện. Trẻ thường vẽ đường cong thì hiền lành, ngược lại, trẻ hay vẽ những nét thẳng, góc cạnh lại hiếu động, mạnh mẽ.
Màu sắc của bức tranh cũng có thể cho chúng ta biết được tâm trạng của trẻ. Khi vui tươi, mạnh khỏe, các bé thường thích những màu như: đỏ, vàng, xanh lá. Tâm trạng buồn hoặc uất ức một điều gì mà khó nói thì hay sử dụng những tông màu lạnh như: xanh lam, xám hoặc đen. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ sử dụng những màu đơn sắc như xám, đen thì bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn vì có thể trẻ gặp những vấn đề về tâm lý. 
Thông qua các nét vẽ của trẻ, người lớn có thể cảm nhận được những cảm xúc khác nhau như: lo lắng, nhút nhát, nóng nảy, bất an.
Trong tác phẩm “Giải thích tranh vẽ của trẻ em”, tác giả người Bỉ Daniel Widlocher đã phân tích kỹ các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ. Theo đó, ở giai đoạn 1,5-2 tuổi, trẻ vẽ loằng ngoằng, vẽ ngoáy; đến 3-4 tuổi thì bước đầu trẻ đã có những ý định biểu thị ý tưởng của mình.
Như vậy, các nét vẽ đầu đời của trẻ là những bước hết sức quan trọng trong tư duy và suy nghĩ của trẻ. Hãy để trẻ được vẽ theo cảm nhận của mình. Bởi, mỗi một đứa trẻ chỉ có một lần phát triển tuổi thơ.
VI THỦY 

Có thể bạn quan tâm