Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

"Nếu không có ngày ba mươi tháng tư"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào ngày 30-4 hàng năm, mọi công dân ở cả 2 miền Nam, Bắc-đặc biệt là lứa thanh niên miền Nam-đều không thể nào quên sự kiện lịch sử đặc biệt:-Ngày đất nước nối liền một dải non sông!

Sở dĩ nhấn mạnh “đặc biệt là lứa thanh niên miền Nam” bởi đấy là thế hệ gạch nối giữa chiến tranh và hòa bình, giữa bi quẫn và hy vọng.

Do vậy mà 6 năm sau cái ngày lịch sử ấy, một người làm thơ trẻ ở miền Nam là Đinh Thị Thu Vân (sau này làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An) có bài thơ “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư” (in trên tuần báo Văn nghệ-Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981). Bài thơ lập tức gây nên sự chú ý và được bàn luận nhiều trên văn đàn lúc bấy giờ:

 

Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu).
Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu).

“Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết/Những nghĩ suy nông nổi của một thời/Những trống trải không cách gì xua đuổi/Nếu không có ngày ba mươi tháng tư…/Nếu không có ngày ba mươi tháng tư/Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/Không một lần dám sống hy sinh/Và giữa dòng cuộc sống gấp bon chen/Em đâu biết tin một ai, một điều gì tuyệt đối/Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối/Còn nửa kia, đành giữ lại để... nghi ngờ/Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa/Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa/Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ/Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ “dòng kênh”/Sẽ… rất nhiều… Anh hiểu phải không anh?/Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ/Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ/Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh/Anh có lạ lùng khi em nói em ghen/Với quá khứ anh, những tháng ngày đánh Mỹ/Em ghen với mắt nhìn tự tin, với nụ cười thoải mái/Ghen với những say mê em chưa có một lần/Em ghen với đồng đội anh, ghen với những tâm hồn.../Từ dạo ấy tháng tư giải phóng/Để rồi cái vỏ ốc vỡ tan, dễ dàng như bong bóng/Những khát vọng tin yêu em đã gặp chính nơi mình/Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm/Lòng vẫn nghĩ tháng tư làm nhân chứng/Ôi, nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn/Làm thế nào em có thể đền ơn/Tháng tư ơi, xin đẹp mãi tâm hồn!…”.

Bài thơ viết ở dạng tự sự, ngôn ngữ bình dị, lời lẽ nhẹ nhàng, ý tưởng rõ ràng, không cần bình luận gì thêm.

Dĩ nhiên, ở mỗi hoàn cảnh, mỗi tư duy thì mỗi người một khác. Tuy nhiên, thời đại nào cũng đều có một “mẫu số chung” tâm lý xã hội của thời đại ấy. Chắc chắn từ sâu thẳm riêng tư những người đồng thế hệ với tác giả cũng ít nhiều có cùng tâm trạng ấy. Cái tâm trạng mà ở thế hệ trước tác giả chừng nửa thế kỷ, dưới thời Pháp thuộc, cũng có một lớp thanh niên chưa tìm được lối ra, mất niềm tin cuộc sống, đã phải thốt lên đầy đau đớn: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh!...” (thơ Vũ Hoàng Chương). Dĩ nhiên, ấy chỉ là “cảm giác”, là mặc cảm của người chưa nhận ra con đường đi của riêng mình trong “vòng kim cô” của thời đại mà thôi, chứ mẹ quê hương và bạn giống nòi chẳng ruồng bỏ ai!

Năm 1975, Đinh Thị Thu Vân tròn 20 tuổi.  Ở miền Nam thời đó chắc chắn tác giả đã thường trực chứng kiến cuộc chiến tranh trước mắt, chứng kiến quanh mình cả một lớp bạn bè con trai con gái sống trong hoang mang dao động cùng cực giữa dòng thời cuộc. Bạn bè trai thì theo lệnh tổng động viên, lần lượt bị lùa ra trận trong tâm thế bi quan, không phương hướng; có người “một đi không trở lại”, có người trở về như một “phế nhân”; thậm chí có người tự thương, tự sát để khỏi phải tham gia vào cuộc cờ không định hướng; cũng có người chấp nhận đời lính trận trong tuyệt vọng, như nhiều lời thơ thời ấy: “Mai kia đụng trận, ta còn sống/Về ghé sông Mao phá phách chơi/Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/Đốt tiền mua vội một ngày vui/Ngày vui đời lính vô cùng ngắn…” (thơ Nguyễn Bắc Sơn). Cả một lớp người trẻ ấy bị cuốn theo guồng quay vô định, phù sinh…

Tất cả đã được tác giả biểu đạt: “Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ/ Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ/ Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh!”.

Trong sự trống vắng những lý tưởng cao đẹp, tự cuộn mình trong ốc đảo tâm hồn như vậy, bất ngờ gặp một sự kiện lịch sử to lớn của đất nước, người thơ như bừng tỉnh. Và không ngần ngại, tác giả thổ lộ thật lòng những tâm tư sâu kín, bằng cách sử dụng mệnh đề nghi vấn “nếu…” trong biện pháp tu từ: “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư”! Vâng, mệnh đề phụ “nếu” nghi vấn là để đi đến sự khẳng định của mệnh đề chính với tuyên ngữ “sẽ…”. Tôi sẽ là gì, sẽ như thế nào, nếu không có điều ấy xảy ra? Vâng, nếu giả định không có ngày 30-4-1975 thì sao?-Thì… dĩ nhiên tác giả sẽ không viết gì hoặc sẽ viết khác! Nhưng, lịch sử dân tộc có ngày 30-4! Đây không những là một sự kiện lịch sử mà còn là một sự đổi đời, lột xác cho cả một đất nước, một thế hệ công dân!

Phải kinh qua nhiều trải nghiệm và quan sát; trải qua quá trình tham gia sống và cảm nhận tích cực, tác giả mới có những tự ngẫm thấu đáo. Bạn đọc dễ dàng nhận ra cơn “lột xác”, “đổi đời” vô cùng trăn trở mà cũng rất ngọt êm của tác giả! Ngọt êm bởi: “Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm/Lòng vẫn nghĩ tháng tư làm nhân chứng/Ôi, nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn/ Làm thế nào em có thể đền ơn/Tháng tư ơi, xin đẹp mãi tâm hồn!…”.

Và cứ thế, hàng năm cứ đến 30-4, thì cái tứ thơ “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư” sẽ cứ còn được nhớ và nhắc lại.

Tạ Văn

Có thể bạn quan tâm