(GLO)- 1. Một chị bạn nhà văn kể chuyện một lần “dối” con. Con gái chị 7 tuổi, không biết nghe đâu đó rằng đưa răng rụng âm thầm đặt xuống gối không cho ai biết, sáng mai ngủ dậy răng sẽ biến thành tiền. Và dĩ nhiên, cô bé tin điều đó. Cô bé len lén tự giấu một chiếc răng vừa rụng xuống gối trước khi đi ngủ. Sợ quên, cô bé ghi lại trên tờ giấy kẻ ô li, đặt ở bàn bên cạnh: “Sáng mai ngủ dậy hãy thò tay xuống gối, ở đó có tiền”. Mẹ là nhà văn nên thừa nhạy cảm và thừa sức tưởng tượng để hiểu ra câu chuyện. Chị lén bỏ xuống đó tờ 1.000 đồng và cất đi chiếc răng sữa bé tí xíu.
Con gái tỉnh dậy, mắt nhắm mắt mở nhìn thấy tờ giấy, sực nhớ ra, thò tay xuống gối. Lần này thì cả hai mắt tròn xoe vì phấn khích lạ lùng khi thấy răng đã thực sự “biến” thành tiền. Cô bé vui tíu tít cả ngày và nhiều ngày sau đó vì câu chuyện y như cổ tích.
Ảnh minh họa |
2. Cô bạn tôi thi thoảng vẫn đưa tấm hình bàn tay bạn bé bỏng xanh xao trong bàn tay bố vững chãi lên mạng xã hội facebook. Nhìn bức hình ấy, không ai nghĩ đó là bàn tay một cô gái trẻ đầy sinh lực ở tuổi 20 trong bàn tay của người cha đang đối diện với tử thần. Chỉ sau khoảnh khắc trân quý ấy vài tiếng, bố bạn ra đi. Cho tới tận những lời cuối cùng, bố vẫn nói: “Con gái đừng ủy mị thế, bố không sao đâu”. Khi ấy bạn tôi chỉ có thể mím chặt môi để nước mắt đừng òa vỡ…
Bạn kể, nhiều khi bạn tự hỏi, sao bố mình lại không nói thật rằng, Thủy ơi, bố đau quá! “Đau quá” là tiếng than rất đỗi bình thường với bất cứ bệnh nhân nào trong bệnh viện ung bướu bố điều trị. Chí ít như thế, có lẽ cô đỡ xót xa hơn là nhìn bố vẫn luôn cố gượng nụ cười tươi và nói “bố không sao” cho tới những phút cuối.
“Bố không sao đâu”-Tại sao bố lại có thể nói dối đứa con gái mà bố cưng chiều hết mực như thế. Vì thương con. Điều đơn giản ấy thì ai cũng biết. Nhưng một điều mà chỉ con gái biết, sau khi bố mất đi, cô gái ủy mị ngày xưa trở nên cứng cáp. Cô cảm thấy mình phải vượt qua mọi khó khăn, có những khó khăn nếu đến với cô trước đây chắc chắn cô sẽ không đủ dũng cảm đối mặt. Bởi trong suy nghĩ của cô bây giờ, tất cả những khó khăn gặp phải thực ra có sá gì với những tháng ngày bố kiên cường chống lại bệnh u gan với nụ cười tươi và câu nói đơn giản: “Bố không sao đâu”. Đó là hạt giống tâm hồn ý nghĩa nhất mà bố gieo lại trong cô.
3. Tôi vẫn thi thoảng mở lại bộ phim kinh điển Cuộc sống tươi đẹp (Ý) để xem… vào ngày nói dối. Bởi với tôi, đó là lời nói dối ngọt ngào nhất, vĩ đại nhất mà bộ phim đã kể cho khán giả.
Phim kể về những tháng ngày sống trong nhà tù Đức quốc xã của hai bố con một cậu bé Do Thái. Ngay từ khi bị bắt, ông bố thông minh đã biến cuộc sống tàn khốc trước mặt thành một cuộc chơi thú vị, mạo hiểm để cậu bé không bị sợ hãi, ám ảnh. Tất cả những đày ải khổ cực trong trại tập trung được Guido “biến hóa” thành những thử thách bắt buộc phải vượt qua để ghi điểm một trò chơi lớn. Phần thưởng cho trò chơi lớn là chiếc xe tăng thật, mới, đẹp-điều mà cậu con trai mơ ước. Tấm lòng cao cả của người bố thể hiện rõ nhất khi ông hiên ngang đi trước họng súng của quân thù để qua khu vực xử bắn nhưng vẫn tếu táo nháy mắt đùa vui với con trai như thể đang hào hứng tham gia một trong những thử thách của trò chơi. Và lúc ấy, cậu bé vẫn tin rằng cậu cần phải ngồi im như bố dặn, còn bố thì đang ghi điểm với một thử thách nào đó để lấy phần thưởng xe tăng về mừng sinh nhật mình.
Niềm vui vỡ òa khi chiếc xe tăng của đoàn quân giải phóng từ từ tiến vào sân nhà tù. Khi mọi người đã bỏ đi hết, chỉ còn cậu bé ở lại. Cậu bé ở lại cuối cùng vì thực hiện theo lời dặn của bố: “Con chỉ được ra khi mọi người đã bỏ đi hết. Nếu con ra sớm trò chơi sẽ kết thúc, chúng ta thua cuộc”-thực chất để bảo vệ sự an nguy cho con trai mình, không để cậu bé rơi vào tay phát xít. Cậu nhóc tin rằng chiếc xe tăng của quân giải phóng lái vào sân là phần thưởng dành cho bố con mình-người chiến thắng. Trên chiếc xe tăng thật, to, mới ấy, cậu bé cười vui mừng và kiêu hãnh khi đã chiến thắng trò chơi rất kham khổ và gặp lại mẹ mình. Kết phim là giọng nói của cậu bé Joshua khi trưởng thành, rằng: “Đó là câu chuyện của tôi. Là câu chuyện về sự hy sinh của cha tôi. Là món quà cha đã tặng tôi…”.
*
Có rất nhiều lời nói dối có ý nghĩa còn hơn cả sự thật. Nói dối như thế nào để mang lại ý nghĩa, mang lại nụ cười, mang lại nước mắt hạnh phúc chứ không phải là những đớn đau, hờn ghét, chắc chỉ trái tim chúng ta hiểu rõ điều này hơn ai hết. Bởi giản đơn, không ai dối được trái tim mình.
Phạm Cường