Sức khỏe

Ngậm kẹo sâm để tăng khoái cảm, người đàn ông nhập viện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước nhập viện 2 ngày, người đàn ông này đã ngậm kẹo sâm được quảng cáo có tác dụng tăng khoái cảm và kéo dài thời gian quan hệ

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại đây vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân ở Hà Nội bị ngộ độc sau khi sử dụng một loại kẹo sâm để tăng khoái cảm.

Bệnh nhân là người đàn ông 51 tuổi, được đưa tới Trung tâm Chống độc với biểu hiện đau mỏi nhiều ở vùng đùi 2 bên, nóng đỏ và chảy dịch ở dương vật.

Viên kẹo được bệnh nhân mang tới làm xét nghiệm. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Viên kẹo được bệnh nhân mang tới làm xét nghiệm. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Qua khai thác, trước khi nhập viện 2 ngày, người đàn ông này đã ngậm một viên "Kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee" để tăng khoái cảm và kéo dài thời gian quan hệ.

Kết quả xét nghiệm phát hiện loại kẹo sâm mà bệnh nhân sử dụng có chứa chất tadalafil là một loại thuốc dùng để chữa rối loạn cương dương (thuộc nhóm thuốc ức chế men PDE-5).

Theo bác sĩ Nguyên, chất tadalafil đã được trộn vào trong loại "Kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee", sau đó bán dưới dạng thực phẩm chức năng tăng cường sinh lực nam giới.

Người bị ngộ độc thường có các biểu hiện như: hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nhồi máu cơ tim, chóng mặt, nhức đầu, nôn, tiêu chảy, tăng men gan.

Trên các trang mạng xã hội "Kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee" được quảng cáo, rao bán tràn lan với công dụng tăng cường khả năng tình dục.

Trước đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM (Bộ Y tế) cũng đã phát hiện 4 mẫu kẹo ngậm Hamer có chứa tadalafil với hàm lượng từ 92,63 mg - 266,94 mg/viên, 1 mẫu kẹo ngậm Hamer 37F82K có chứa sildenafil citrat với hàm lượng từ 17,77 mg - 34,56 mg/viên và một mẫu kẹo ngậm Hamer 621 có chứa nortadalafil.

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM, trong lĩnh vực dược phẩm, sildenafil, tadalafil, vardenafil là 3 dược chất thuộc nhóm ức chế men PDE5. Trong lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 3 dược chất này và các chất tương tự (sildenafil analogues) bị cấm sử dụng trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng.

Có thể bạn quan tâm